Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư sơ bộ 19.617 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Lê Tiên |
Nhà nước kiến nghị tham gia 49,31% vốn
Theo UBND TP.HCM, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài cùng với các dự án giao thông đã và đang triển khai trong khu vực như Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM, Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành… sẽ hình thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tăng năng lực, hiệu quả khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối TP.HCM và Campuchia.
“Dự án thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP) có tham gia một phần từ ngân sách nhà nước (khoảng 49,31% tổng mức đầu tư), giảm gánh nặng từ nguồn vốn đầu tư công. Đồng thời, bối cảnh hiện nay, Luật PPP với nhiều chính sách, cơ chế mới được xem là điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn lực xã hội tham gia đầu tư. Áp dụng loại hợp đồng BOT là phù hợp nhất trong các phương thức đầu tư”, UBND TP.HCM cho biết.
Theo tính toán, tổng mức đầu tư sơ bộ của Dự án là 19.617 tỷ đồng (giai đoạn 1), gồm chi phí xây dựng và thiết bị là 9.273 tỷ đồng; chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) là 6.774 tỷ đồng; lãi vay trong quá trình xây dựng là 1.281 tỷ đồng. Trong đó, Dự án thành phần 1 Đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có tổng mức đầu tư 10.421 tỷ đồng. Ngoài ra, nhu cầu sử dụng đất của Dự án là 409,28 ha, sơ bộ tổng số hộ bị ảnh hưởng là 566 hộ. Phạm vi GPMB thực hiện giải tỏa 1 lần theo quy mô 6 làn xe cao tốc.
Về nguồn vốn và phương án huy động vốn, phần vốn nhà nước tham gia Dự án là 9.674 tỷ đồng. Trong đó, vốn trung ương tham gia Dự án là 2.872 tỷ đồng, hỗ trợ chi phí GPMB (tại TP.HCM là 1.368 tỷ đồng, tại Tây Ninh là 1.504 tỷ đồng). Phần vốn ngân sách TP.HCM là 6.902 tỷ đồng (chi phí hỗ GPMB là 3.902 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng công trình là 2.900 tỷ đồng). Riêng về phần vốn BOT là 9.943 tỷ đồng.
UBND TP.HCM cho rằng, Dự án có đủ điều kiện chín muồi để triển khai theo phương thức PPP, là cơ chế linh hoạt của Thành phố. Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, tại khoản 7 Điều 5 nêu: “HĐND TP.HCM quyết định việc sử dụng ngân sách Thành phố để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa Thành phố và địa phương khác, các dự án quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa bàn Thành phố”. “Dự án cao tốc này đi qua 2 địa phương TP.HCM (khoảng 24,66 km) và Tây Ninh (khoảng 26,317 km). Do đó, Thành phố dự kiến bố trí 2.900 tỷ đồng để xây dựng công trình. Nội dung này đã được HĐND Thành phố xem xét, thông qua”, UBND TP.HCM cho biết.
Phương án tài chính và lựa chọn nhà đầu tư
Dự án có thời gian hoàn vốn dự kiến là 14 năm 10 tháng, thời gian thực hiện hợp đồng dự kiến là 16 năm 9 tháng. Theo UBND TP.HCM, giá trị hiện tại ròng của Dự án khoảng 157,98 tỷ đồng; tỷ suất nội hoàn trung bình khoảng 11,08% và tỷ suất lợi ích - chi phí trung bình đạt khoảng 1,013. “Kết quả tính toán, phân tích hiệu quả tài chính cho thấy Dự án thành phần 1 theo hợp đồng BOT bảo đảm hiệu quả”, UBND TP.HCM cho biết.
Dự kiến thời gian thực hiện cao tốc TP.HCM - Mộc Bài: chuẩn bị dự án và lựa chọn nhà đầu tư (năm 2024 - 2025); GPMB (năm 2024 - 2025); khởi công dự án (tháng 4/2025); thi công xây dựng (năm 2025 - 2027).
Trong khi đó, về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, TP.HCM kiến nghị áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo quy định tại Điều 82 Luật PPP trong quá trình kinh doanh, khai thác công trình. Cụ thể, khi doanh thu thực tế đạt cao hơn 125% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chia sẻ với Nhà nước 50% phần chênh lệch giữa doanh thu thực tế và mức 125% doanh thu trong phương án tài chính. Việc chia sẻ phần doanh thu được áp dụng sau khi đã điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công, điều chỉnh hợp đồng dự án theo quy định tại Điều 50, Điều 51 và Điều 65 Luật PPP và được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán phần tăng doanh thu. Ngược lại, khi doanh thu thực tế đạt thấp hơn 75% mức doanh thu, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án 50% phần chênh lệch giữa mức 75% doanh thu trong phương án tài chính và doanh thu thực tế. Việc chia sẻ phần giảm này được áp dụng khi đáp ứng các điều kiện ràng buộc và nguồn vốn dự kiến sử dụng chi trả là từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương.
Dự án Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) gồm 4 dự án thành phần. Trong đó, Dự án thành phần 1 triển khai theo hợp đồng BOT sẽ do UBND TP.HCM làm cơ quan có thẩm quyền.
Đối với hình thức lựa chọn nhà đầu tư, TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Đầu tháng 4/2024, Bộ KH&ĐT đã đề nghị Thành phố hoàn thiện thuyết minh về yếu tố đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, làm cơ sở để xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư. Thành phố cho biết, sau khi tiếp nhận đầy đủ các ý kiến của bộ, ngành sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện Dự án.