Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành: Cần đánh giá tác động đến 2 dự án BOT hiện hữu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) được Chính phủ và hai địa phương có Dự án đi qua rất quyết tâm triển khai để thúc đẩy phát triển liên kết, kinh tế - xã hội cả vùng. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, khi Dự án đi vào vận hành sẽ có tác động tới 2 dự án BOT hiện hữu, đòi hỏi có phương án sớm và khả thi để giảm thiểu tác động và bảo đảm quyền lợi của các nhà đầu tư 2 dự án này.
Dự kiến sơ bộ tổng mức đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành là 25.538 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Dự kiến sơ bộ tổng mức đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành là 25.538 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Quyết tâm cao từ địa phương triển khai Dự án

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (BCNCTKT) tại phiên họp thẩm định mới đây, Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có chiều dài khoảng 128,8 km, đi qua địa phận tỉnh Bình Phước và Đắk Nông, quy mô đầu tư 4 làn xe hoàn chỉnh, chiều rộng nền đường 24,75 m, phấn đấu đưa vào vận hành khai thác năm 2027. Dự kiến sơ bộ tổng mức đầu tư 25.538 tỷ đồng; vốn nhà nước tham gia Dự án tối đa 12.769 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Bình Phước là 3.000 tỷ đồng, tỉnh Đắk Nông là 1.000 tỷ đồng, còn lại là ngân sách trung ương. Loại hợp đồng dự kiến là BOT. Với phần vốn nhà nước tham gia lớn hơn 10.000 tỷ đồng, Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội.

Theo UBND tỉnh Bình Phước, sau khi Dự án hoàn thành sẽ phá vỡ thế độc đạo và giảm tải cho Quốc lộ 14, rút ngắn thời gian di chuyển từ tỉnh Đắk Nông đi tỉnh Bình Phước về TP.HCM, đồng thời tạo thuận lợi kết nối đến sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); tạo bước đột phá cho vùng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Bà Nguyễn Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, Tỉnh rất mong muốn đầu tư sớm và khẳng định dù nguồn thu còn khó khăn, nhưng địa phương cam kết bố trí đủ vốn cho Dự án.

Về nguồn vốn 4.000 tỷ đồng của địa phương, UBND 2 tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua và đã bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Trong đó, Bình Phước bố trí 3.000 tỷ đồng và Đắk Nông bố trí 1.000 tỷ đồng.

Đối với phần vốn tư nhân, UBND tỉnh Bình Phước cho biết, Dự án có khả năng thu hút nhà đầu tư. Theo kết quả nghiên cứu, tính toán sơ bộ phương án tài chính, Dự án đảm bảo về hiệu quả tài chính; với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 12.769 tỷ đồng (chiếm 50% tổng mức đầu tư Dự án) thì nguồn thu từ thu phí dự án đảm bảo khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư trong khoảng thời gian 20 năm 10 tháng khai thác. Thời gian thu phí dự kiến có sức hấp dẫn các nhà đầu tư do không quá dài và theo dự báo, tốc độ tăng trưởng của lưu lượng xe ngày càng lớn do đây là tuyến đường kết nối vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ.

Đánh giá kỹ tác động tới dự án liên quan

Một trong những vấn đề nhận được nhiều quan tâm từ các cơ quan liên quan khi thẩm định BCNCTKT Dự án là tác động đối với dự án BOT hiện hữu có liên quan.

Trên hành lang vận tải của Dự án hiện có 2 dự án BOT trên Quốc lộ 14 đã đầu tư, đang vận hành khai thác là: Dự án Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 14 đoạn Km817-887, tỉnh Đắk Nông của Công ty CP Đức Long Đắk Nông và Dự án BOT Quốc lộ 14 Cầu 38 - Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước của Công ty CP Đức Thành Gia Lai.

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, việc đầu tư khai thác Dự án sẽ phân lưu lượng xe và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng của 2 dự án BOT trên, hiện còn dư nợ tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank). Ông Nguyễn Xuân Bắc dẫn chứng, nhiều dự án BOT hiện không đạt phương án tài chính theo kế hoạch, nguyên nhân là do thay đổi cơ chế chính sách của Nhà nước, làm đường song hành dẫn đến phân lưu. Vấn đề này cần xem xét rất nghiêm túc, lấy ý kiến các đối tượng liên quan (cơ quan có thẩm quyền, nhà đầu tư, VietinBank…) để xây dựng phương án xử lý phù hợp, không làm ảnh hưởng quyền lợi của các bên trong việc đầu tư, khai thác, tài trợ cho 2 dự án BOT hiện hữu, nhằm tránh xảy ra các xung đột lợi ích khi đưa các dự án vào khai thác.

NHNN cũng lưu ý, trường hợp đề xuất phương án xử lý đối với Dự án BOT Quốc lộ 14 đoạn Km817-887 có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, đề nghị UBND tỉnh Bình Phước làm rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để thực hiện phương án.

Thẩm định BCNCTKT Dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cũng lưu ý đến vấn đề này. Theo ông Tăng Ngọc Tráng, Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Giám sát đầu tư thuộc Bộ KH&ĐT, BCNCTKT nhận định, Dự án có tác động nhất định tới lưu lượng và doanh thu thu phí hoàn vốn của các dự án BOT trên Quốc lộ 14. UBND tỉnh Bình Phước đề xuất các giải pháp xử lý là đàm phán, ký phụ lục hợp đồng với các nhà đầu tư dự án BOT xác định lại thời gian thu phí hoàn vốn; Nhà nước cân đối bố trí nguồn kinh phí đề bù phần lưu lượng thiếu hụt do tác động của Dự án và đàm phán, ký phụ lục hợp đồng với các nhà đầu tư dự án BOT. Tuy nhiên, các giải pháp đề xuất chưa có cơ sở, đề nghị UBND tỉnh Bình Phước phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Đắk Nông, các nhà đầu tư và các bên có liên quan đánh giá cụ thể mức độ tác động của Dự án đối với các dự án BOT hiện hữu trên Quốc lộ 14 để thống nhất đề ra các giải pháp phù hợp với quy định của pháp luật.

Chuyên đề