Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025: Tiếp tục hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hội đồng Thẩm định nhà nước vừa có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) bổ sung các nội dung quan trọng được khuyến nghị và khẩn trương hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Nhu cầu sử dụng đất xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được yêu cầu làm rõ. Ảnh: Song Lê
Nhu cầu sử dụng đất xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được yêu cầu làm rõ. Ảnh: Song Lê

Theo kết luận của Hội đồng Thẩm định nhà nước, Bộ GTVT cần thuyết minh rõ việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án như 1 dự án tổng thể gồm 12 dự án thành phần (bao gồm đầu tư PPP và đầu tư công). Trong đó làm rõ việc phân chia các dự án thành phần và nội dung các dự án thành phần theo quy định, làm rõ cơ sở lựa chọn phương án đầu tư, bổ sung, so sánh thêm phương án đầu tư để đảm bảo thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Phần thuyết minh cần làm rõ việc phân kỳ đầu tư Dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 chỉ đầu tư với quy mô bề rộng nền đường 17m (bằng khoảng 1/2 quy mô giai đoạn hoàn thiện) bảo đảm không ảnh hưởng đến tiêu chuẩn khai thác của đường cao tốc, kết cấu công trình và hiệu quả toàn bộ Dự án.

Trong hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Bộ GTVT dự kiến sử dụng 61.628 tỷ đồng vốn đầu tư công để thực hiện Dự án, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến bố trí 49.233 tỷ đồng, giai đoạn sau năm 2025 dự kiến bố trí khoảng 12.395 tỷ đồng.

Hội đồng Thẩm định nhà nước cho biết, dự kiến số vốn để đầu tư Dự án mà Bộ GTVT đề xuất là không thống nhất với số vốn bố trí cho Dự án đã được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 (Dự án được bố trí 38.738 tỷ đồng). Ngoài ra, số vốn đầu tư công mà Bộ GTVT đề xuất bố trí cho Dự án giai đoạn 2021 - 2025 là 49.233 tỷ đồng, cao hơn số vốn dự kiến bố trí cho Dự án (bao gồm cả đoạn cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được Bộ GTVT kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội khoảng 2.064 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo ý kiến của Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành, Bộ GTVT cần bổ sung nội dung báo cáo đánh giá tình hình triển khai xây dựng 11 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, trong đó làm rõ các nội dung đã đạt được, các vấn đề vướng mắc, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp phù hợp làm cơ sở để thực hiện Dự án giai đoạn 2021 - 2025. Đối với sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án, Bộ GTVT cần rà soát, đảm bảo sơ bộ tổng mức đầu tư được tính đúng, tính đủ theo quy định, trong đó cần bổ sung lãi vay trong thời gian xây dựng vào sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án.

Mặt khác, Bộ GTVT cần làm rõ nhu cầu sử dụng đất của Dự án, số liệu từng loại đất thuộc phạm vi địa bàn các tỉnh/thành phố có Dự án đi qua; đồng thời liên hệ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cung cấp thêm số liệu, thông tin cơ bản về diện tích đất rừng cần chuyển mục đích sử dụng.

Hội đồng Thẩm định nhà nước cho biết, hiện nay, hồ sơ Dự án vẫn thiếu hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo quy định tại Khoản 1 Điều 41 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.

Bộ GTVT cho biết, việc lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo quy định nói trên sẽ mất tối thiểu 6 tháng và không kịp trình hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án tới Hội đồng Thẩm định nhà nước và trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự kiến tại kỳ họp tháng 10/2021. Hơn nữa, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có đặc thù là diện tích chiếm dụng trải dài theo tuyến, ở bước nghiên cứu tiền khả thi chỉ xác định sơ bộ về hướng tuyến nên việc lập bản đồ hiện trạng rừng khu vực đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng trong bước nghiên cứu tiền khả thi chưa đảm bảo tính chính xác. Do đó, Bộ GTVT kiến nghị cơ chế báo cáo Quốc hội chấp thuận: Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án quyết định sơ bộ diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng. Trong bước phê duyệt nghiên cứu khả thi, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Chuyên đề