Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025: Cơ hội lớn thu hút đầu tư theo phương thức PPP

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nếu được chấp thuận chủ trương đầu tư, 9/12 đoạn tuyến của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 sẽ được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Theo một số ý kiến, việc thu hút đầu tư các đoạn tuyến cao tốc thời gian tới nếu áp dụng các cơ chế chia sẻ rủi ro, ưu đãi đầu tư, bảo đảm đầu tư theo Luật PPP sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn so với giai đoạn trước đó.
Tổng chiều dài 9 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dự kiến đầu tư theo phương thức PPP giai đoạn 2021 - 2025 là 552 km với tổng mức đầu tư 114.088 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Song Lê
Tổng chiều dài 9 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dự kiến đầu tư theo phương thức PPP giai đoạn 2021 - 2025 là 552 km với tổng mức đầu tư 114.088 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Song Lê

Theo khái toán của Bộ Giao thông vận tải, tổng chiều dài 9 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam dự kiến đầu tư theo phương thức PPP giai đoạn 2021 - 2025 là 552 km với tổng mức đầu tư 114.088 tỷ đồng, phần vốn nhà nước tham gia khoảng 57.044 tỷ đồng. Đó là các đoạn: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.

Trong bối cảnh hiện nay, ngân sách nhà nước không thể cân đối đủ nguồn lực để đầu tư đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nên phải huy động các nguồn lực xã hội tham gia theo phương thức PPP. Đầu tư theo phương thức này sẽ tận dụng được thế mạnh công nghệ, kinh nghiệm quản lý từ khối tư nhân, có sự phân chia rủi ro hợp lý giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành và khai thác công trình. Việc đầu tư các tuyến cao tốc giai đoạn tới cũng bảo đảm đầu tư tuyến mới nên có sự lựa chọn cho người sử dụng dịch vụ, thu phí theo chiều dài sử dụng nên bảo đảm tính công bằng.

9 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam dự kiến đầu tư theo phương thức PPP giai đoạn 2021 - 2025 gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia về đầu tư cho biết, việc kêu gọi đầu tư các đoạn tuyến cao tốc giai đoạn tới sẽ có triển vọng thu hút nhà đầu tư hơn bởi Luật PPP đã có hiệu lực và các quy định về chia sẻ rủi ro đã rõ ràng. Do đó, nhà đầu tư sẽ được hưởng đầy đủ các ưu đãi, bảo đảm đầu tư theo quy định mới, điều mà nhà đầu tư tham gia các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 chưa có. Hơn nữa, ở giai đoạn 2021 - 2025, từ kinh nghiệm đúc rút của các dự án cao tốc giai đoạn trước đó, việc lập dự án, nghiên cứu tiền khả thi dự án sẽ được phân tích kỹ lưỡng, cẩn trọng hơn nên sẽ có phương án tốt hơn để nắm bắt đầy đủ và phân bổ rủi ro một cách hợp lý trong vòng đời dự án, từ đó có biện pháp giảm thiểu rủi ro phát sinh.

Theo tìm hiểu, ban quản lý dự án và các đơn vị liên quan của Bộ Giao thông vận tải đã và đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Tại Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi; Dự án Xây dựng đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả nghiên cứu dự án; UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản thống nhất phương án thiết kế sơ bộ bước nghiên cứu tiền khả thi của dự án.

Đối với Dự án cao tốc đoạn Dầu Giây - Tân Phú, Bộ Giao thông vận tải đã gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đang xin ý kiến thẩm định và dự thảo kế hoạch thẩm định gửi các bộ, ban ngành...

Đối với một số dự án cao tốc liên quan đến việc chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với địa phương đi thực tế, khảo sát hiện trạng rừng và có phương án đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng liên quan thực hiện dự án cao tốc...

Để tạo thuận lợi cho quá trình đầu tư các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải đề xuất đầu tư một số tuyến kết nối với đường bộ cao tốc nhằm thu hút lưu lượng, phương tiện, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư và nâng cao tính khả thi cho các dự án cao tốc; áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.

Chuyên đề