Dự án cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng): Xuất hiện nhà đầu tư quan tâm mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Liên danh nhà đầu tư  APM Terminal (Hà Lan) - Hateco đã nộp hồ sơ quan tâm đến lĩnh vực đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng). Về phía Đà Nẵng, Thành phố cũng đang đề xuất với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hướng điều chỉnh quy hoạch 3 bến cảng chuyên dụng để thu hút đầu tư.
Thi công hạng mục đê chắn sóng thuộc Dự án thành phần 1 phần cơ sở hạ tầng dùng chung tại cảng Liên Chiểu
Thi công hạng mục đê chắn sóng thuộc Dự án thành phần 1 phần cơ sở hạ tầng dùng chung tại cảng Liên Chiểu

Cấp thẩm quyền TP. Đà Nẵng cho biết, đã nhận được thông tin Liên danh nhà đầu tư gồm Tập đoàn APM Terminal và Tập đoàn Hateco gửi hồ sơ quan tâm tới Thủ tướng Chính phủ đối với Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu. Theo đó, trong trường hợp được lựa chọn là nhà đầu tư, Liên danh APM Terminal - Hateco cam kết bảo đảm lượng hàng vận chuyển và tạo ra luồng hàng hóa đến/đi từ các vị trí trọng yếu, qua đó đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa quan trọng trong trung và dài hạn.

Liên danh APM Terminal - Hateco sẽ xây dựng cảng Liên Chiểu trở thành cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam với dịch vụ logistics xanh và duy trì các tiêu chuẩn cao nhất về quản trị, trách nhiệm với môi trường và xã hội; đồng thời cam kết đẩy nhanh ngày mở cảng đi vào vận hành khai thác thông qua việc áp dụng các biện pháp thi công hiệu quả nhất.

APM Terminals là công ty khai thác cảng container quốc tế có trụ sở chính tại The Hague, Hà Lan. Năm 2021, công ty này có công suất khai thác cảng khoảng 108,7 triệu Teu trên mạng lưới hơn 70 cảng tại 42 nước trên thế giới.

Về phía Hateco, theo giới thiệu thông tin trên website của doanh nghiệp này, đơn vị tiền thân là Công ty CP Đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc Hà Nội, được thành lập năm 2004, hoạt động trên 4 lĩnh vực: bất động sản; dịch vụ logistics; đầu tư và phát triển cảng biển; thương mại điện tử với 7 công ty thành viên.

Trước đó, APM Terminals và Hateco đã ký kết thoả thuận quan hệ đối tác chiến lược trong dự án phát triển hai bến cảng nước sâu tại khu bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).

Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu gồm 2 dự án thành phần. Trong đó, Dự án thành phần 1 đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung) có tổng mức đầu tư 3.462 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách TP. Đà Nẵng đang được triển khai đầu tư, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Trong khi đó, Dự án thành phần 2 đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (phần kêu gọi đầu tư) đã được phê duyệt, bao gồm 8 bến container (tổng chiều dài neo đậu 2.750 m cho tàu từ 50.000 - 200.000 DWT), 6 bến hàng tổng hợp (tổng chiều dài neo đậu 1.550 m cho tàu từ 50.000 - 100.000 DWT), bến cho tàu pha sông biển, hậu phương cảng. Theo tính toán sơ bộ của UBND TP. Đà Nẵng, chi phí đầu tư vào khoảng 48.304 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mới đây, lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch khu bến Liên Chiểu và góp ý một số nội dung liên quan quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, Đà Nẵng đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu xem xét quy hoạch khu bến Liên Chiểu bao gồm 3 bến cảng chuyên dụng: bến cảng biển Liên Chiểu (bến cảng container Liên Chiểu); bến cảng tổng hợp, container, hàng rời Liên Chiểu và bến hàng lỏng, khí Liên Chiểu.

Với bến container Liên Chiểu, quy mô gồm 8 cầu cảng với tổng chiều dài 2.750 m, tiếp nhận cỡ tàu đến 18.000 Teu (200.000 DWT) và 700 m cầu cảng tiếp nhận tàu đến 5.000 tấn. Giai đoạn đến năm 2030, bến cảng này phát triển từ 2 - 4 cầu cảng. Trong đó, 2 cầu cảng khởi động đáp ứng thông qua hàng hóa từ 7,5 - 11,9 triệu tấn; 2 cầu cảng còn lại phát triển phù hợp với nhu cầu trung chuyển container quốc tế.

Bến tổng hợp, container, hàng rời Liên Chiểu có quy mô gồm 6 cầu cảng với tổng chiều dài 1.550 m, tiếp nhận cỡ tàu đến 100.000DWT và 500 m cầu cảng tiếp nhận tàu đến 5.000 tấn. Từng bước đầu tư và đưa vào khai thác sau năm 2030 phục vụ chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa, Thọ Quang và nhu cầu thông qua hàng hóa tại khu vực.

Còn bến hàng lỏng, khí Liên Chiểu có quy mô gồm 8 cầu cảng. Giai đoạn đến năm 2030, phát triển 4 cầu cảng phục vụ di dời các bến phao hàng lỏng hiện hữu và 1 - 2 cầu cảng phục vụ kho dự trữ LNG, LPG xây dựng mới tại Liên Chiểu đáp ứng nhu cầu phát triển quy hoạch hạ tầng dự trữ, xăng dầu khí đốt quốc gia…

Theo quy định, Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu sẽ được thực hiện theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Dự án này đã và đang nhận được sự quan tâm của Liên danh ADANI (Ấn Độ) - Tập đoàn Anh Phát; Sumitomo (Nhật Bản) - BRG và nay thêm APM Terminal - Hateco.

Chuyên đề