Dự án Cải tạo, nâng cấp luồng tàu vào cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa có tổng mức đầu tư hơn 272 tỷ đồng. Ảnh: Hoài Tâm |
Tuy nhiên, từ ý kiến của Bộ Tài chính cho thấy phương án tài chính như đề xuất của Bộ GTVT chưa khả thi.
Không có nguồn thanh toán cho nhà đầu tư
Theo tính toán của Bộ GTVT, tổng mức đầu tư (TMĐT) của Dự án là 272,86 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của doanh nghiệp cảng là 20% TMĐT, không tính hoàn vốn cho phần vốn góp của doanh nghiệp, 80% TMĐT còn lại (tương ứng với 218,29 tỷ đồng) sẽ thực hiện đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo hình thức BLT.
Thời gian thực hiện Dự án dự kiến từ năm 2017 - 2023, nhà đầu tư được quyền cung cấp dịch vụ với thời hạn 5 năm, thời gian thi công nạo vét là 120 ngày. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh toán cho nhà đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) trên cơ sở cân đối thu, chi từ nguồn thu phí bảo đảm hàng hải trong các năm từ 2018 - 2023.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã có ý kiến cho rằng phương án tài chính như đề xuất của Bộ GTVT là không khả thi. Theo Nghị quyết số 27/2016/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 11/11/2016: “Từ năm 2017, nguồn thu phí sử dụng đường bộ qua đầu phương tiện ô tô, phí đảm bảo hàng hải (sau khi trừ chi phí tổ chức thu) được phản ánh trong thu cân đối NSNN, sử dụng để duy tu, bảo trì đường bộ và đảm bảo an toàn hàng hải”. Đồng thời, tại Luật NSNN năm 2015 quy định: “Các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối NSNN, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể. Trường hợp có khoản thu cần gắn với nhiệm vụ chi cụ thể theo quy định của pháp luật thì được bố trí tương ứng từ các khoản thu này trong dự toán chi ngân sách để thực hiện”. Bộ GTVT đề xuất sử dụng nguồn thu phí đảm bảo hàng hải trong giai đoạn 2018 - 2023 để cân đối bố trí cho Dự án Cải tạo, nâng cấp luồng tàu vào cảng Nghi Sơn là chưa phù hợp với quy định tại Luật NSNN 2015 và Nghị quyết của Quốc hội.
Bộ Tài chính cho biết thêm, trong những năm gần đây, nguồn thu phí đảm bảo hàng hải bắt đầu có tăng trưởng. Tuy nhiên, nguồn thu phí đảm bảo hàng hải hàng năm vẫn không đủ để cân đối chi cho các nhiệm vụ công ích đảm bảo an toàn hàng hải và NSNN phải cân đối bổ sung. Cụ thể, dự toán thu phí đảm bảo hàng hải năm 2016 là 1.050 tỷ đồng, dự toán chi cho các nhiệm vụ công ích đảm bảo an toàn hàng hải (bao gồm nhiệm vụ nạo vét) là 1.711 tỷ đồng; dự toán thu năm 2017 là 1.430 tỷ đồng, trong khi dự toán chi năm 2017 là 1.780 tỷ đồng. Về dự toán năm 2018, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội dự toán thu phí đảm bảo hàng hải là 1.698 tỷ đồng, dự toán chi năm 2018 là 2.050 tỷ đồng. NSNN phải cân đối bổ sung khoảng 350 tỷ đồng.
Bộ Tài chính khuyến nghị trường hợp Dự án triển khai theo hình thức BLT, Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất nguồn vốn hợp pháp khác hoàn vốn cho nhà đầu tư để bảo đảm tính khả thi về nguồn vốn và hiệu quả kinh tế của Dự án.
Làm rõ vai trò của Công ty CP Gang thép Nghi Sơn
Theo Bộ GTVT, Công ty CP Gang thép Nghi Sơn cam kết sẽ huy động đóng góp một phần kinh phí thực hiện Dự án với tỷ lệ 20% TMĐT và chịu trách nhiệm đầu tư hệ thống đê bao phục vụ cho quá trình triển khai Dự án, cũng như việc công ty này đồng ý tiếp nhận vật liệu nạo vét. Phương án tài chính có nêu phần vốn góp của Công ty sẽ không hoàn vốn cho phần vốn góp của doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đề nghị, trong phương án tài chính của Dự án cần xác định rõ đây là khoản đóng góp của nhà đầu tư do hưởng lợi từ việc Nhà nước triển khai thực hiện Dự án có tính vào phần vốn góp chủ sở hữu thực hiện Dự án để tính toán phương án hoàn vốn và năng lực tài chính của nhà đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thì đề nghị Bộ GTVT làm rõ vai trò của Công ty CP Gang thép Nghi Sơn trong Dự án. Bộ KH&ĐT cũng đề nghị Bộ GTVT làm rõ lượng sản phẩm tận thu được từ việc triển khai Dự án, qua đó thuyết minh tính hợp pháp và hợp lý của phương án sử dụng giá trị sản phẩm tận thu.