Nhà đầu tư chỉ được thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại Trạm Km72+930 thay vì 2 trạm theo phương án hoàn vốn Dự án |
Mỗi tháng “âm” gần 16 tỷ đồng
Thực hiện lời mời gọi đầu tư từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT), năm 2014, Liên danh Cienco4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc đã ký hợp đồng thực hiện Dự án BOT nói trên với Bộ GTVT.
Tháng 4/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án này. Sau đó, ngày 22/7/2015, Bộ GTVT và Nhà đầu tư đã ký hợp đồng BOT chính thức số 22/HĐ.BOT-BGTVT thực hiện Dự án. Nhận thức được tầm quan trọng của Dự án, Nhà đầu tư đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư, xây dựng công trình bảo đảm tiến độ, chất lượng theo Hợp đồng BOT đã ký kết. Dự án đã thông xe từ tháng 3/2017 và được Bộ GTVT nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 5/2017.
Sau hơn 7 tháng từ khi được nghiệm thu đưa vào sử dụng (tháng 1/2018), Nhà đầu tư được Bộ GTVT đồng ý cho thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ chỉ tại Trạm Km72+930 trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (phương án hoàn vốn Dự án theo hợp đồng BOT là 2 trạm thu phí).
Hiện nay, Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100 được Nhà đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhưng lại không thu phí nên lượng xe đổ dồn lên tuyến này, gây ách tắc cục bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Trong khi đó, theo ghi nhận của một số tài xế trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới, thời gian đi trên tuyến này chỉ mất 1 giờ, trong khi lưu thông trên tuyến Quốc lộ 3 mất đến 1 giờ 30 phút, song đây là tuyến đường có thu phí nên nhiều tài xế vẫn không lựa chọn.
Ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới cho biết, hiện nay, doanh thu thu phí 1 trạm mỗi tháng chỉ được 2,2 tỷ đồng, trong khi tổng chi phí bỏ ra để tổ chức các hoạt động khai thác, duy tu, bảo trì tuyến đường, trả lãi vay, nợ gốc, trả lương cho bộ máy quản lý, cho người lao động lên tới 18 tỷ đồng/tháng. Chưa kể phí hoàn vốn đầu tư Dự án, hơn 1 năm qua, doanh nghiệp BOT đã phải gánh khoản chi phí vận hành hơn 200 tỷ đồng. Nếu các cơ quan chức năng không có phương án tháo gỡ khó khăn kịp thời cho Nhà đầu tư, nguy cơ phá sản là rất cao.
Xem xét thấu đáo quyền lợi của nhà đầu tư
Về câu chuyện này, ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho rằng, cần phải xem xét thấu đáo và một cách tổng thể các vấn đề liên quan đến đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nói chung và hợp đồng BOT nói riêng. Các cơ quan chức năng khi “trải thảm đỏ” mời nhà đầu tư vào đầu tư dự án, đã hứa với nhà đầu tư thì trước hết cần phải bảo đảm các quyền lợi cho nhà đầu tư sau khi đã đầu tư vào công trình dự án. Bên cạnh đó, cũng cần cân đối với quyền lợi của người dân, không được phương hại đến đời sống người dân.