Vốn chủ sở hữu nhà đầu tư tham gia dự án BOT thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông là 20% tổng vốn đầu tư. Ảnh: Lê Tiên |
Đối với các dự án BOT thuộc Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cùng với các vấn đề về lãi suất vốn vay, bảo lãnh một số rủi ro, thì nhiều nhà đầu tư đang rất quan tâm đến chỉ số này.
Tham chiếu dự án BOT đã triển khai
Tháng 8 vừa qua, Bộ Tài chính đã công bố lấy ý kiến Dự thảo Thông tư Quy định mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, thanh toán nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án và quyết toán công trình dự án hoàn thành theo hình thức PPP thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Khi được ban hành, thông tư này hướng dẫn cụ thể một số nội dung về tài chính theo tinh thần Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/3/2018 của Chính phủ. Theo Dự thảo Thông tư, lợi nhuận trên phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư (tính theo tỷ lệ %) bằng mức lợi nhuận trung bình trên phần vốn chủ sở hữu (tính theo tỷ lệ %) của nhà đầu tư ở các dự án giao thông đường bộ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (CQNNCTQ) là Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã triển khai theo hợp đồng BOT trong thời gian vừa qua. CQNNCTQ chịu trách nhiệm tính toán mức lợi nhuận cụ thể theo nguyên tắc trên làm cơ sở phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) và hồ sơ mời thầu (HSMT) lựa chọn nhà đầu tư.
Dự thảo cũng quy định, mức lợi nhuận chính thức của nhà đầu tư được xác định thông qua đấu thầu cạnh tranh theo quy định hiện hành của pháp luật về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Thực tế, lợi nhuận trên phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư bao nhiêu thì hợp lý là một trong những vấn đề mà Bộ GTVT còn gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án BOT thời gian vừa qua. Bộ GTVT cho biết, Bộ đã triển khai các dự án BOT và ấn định mức lợi nhuận nhà đầu tư dao động từ 11,5 - 14%. Các nhà đầu tư là doanh nghiệp trong nước và được lựa chọn theo hình thức chỉ định thầu nên mặc dù trong quá trình đàm phán hợp đồng, nhà đầu tư có kiến nghị tăng mức lợi nhuận nhưng không được Bộ GTVT chấp thuận.
Bộ GTVT dẫn ra số liệu qua tham vấn các tư vấn quốc tế, các nhà tài trợ quốc tế và thực tiễn triển khai cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Dầu Giây - Phan Thiết, Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, các nhà đầu tư đều kỳ vọng và chỉ quan tâm khi lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu tối thiểu đạt 15 - 17%. Còn theo nghiên cứu của Đại học Navara (Tây Ban Nha), các nhà đầu tư yêu cầu lợi nhuận khi đầu tư vào thị trường Việt Nam là 15,9%; theo nghiên cứu của Đại học New York là 18%.
Đấu thầu rộng rãi sẽ đưa lợi nhuận về sát thị trường
Một chuyên gia về PPP chia sẻ, nếu lấy các dự án giao thông theo hình thức BOT do Bộ GTVT là CQNNCTQ triển khai thời gian vừa qua làm cơ sở tham chiếu cho các dự án BOT thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ có một số khó khăn. Không chỉ vì mức lợi nhuận chưa được như kỳ vọng của nhà đầu tư theo phân tích của Bộ GTVT, mà còn vì các dự án thời gian qua có điểm khác so với các dự án BOT thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Trong đó khác biệt lớn là tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong tổng vốn đầu tư dự án BOT. Các dự án BOT thời gian vừa qua tỷ lệ vốn chủ sở hữu dao động ở mức 10 - 15% tổng vốn đầu tư dự án. Còn theo Nghị quyết số 20/NQ-CP, vốn chủ sở hữu nhà đầu tư tham gia Dự án tính toán trong BCNCKT và HSMT với tỷ lệ 20% tổng vốn đầu tư. Về nguyên tắc, mức lợi nhuận của nhà đầu tư tương ứng với mức độ rủi ro mà nhà đầu tư chấp thuận khi tham gia vào các dự án BOT. Thông thường khi tỷ lệ vốn chủ sở hữu càng cao thì mong muốn lợi nhuận càng cao.
Theo kinh nghiệm của ông David Ng, tư vấn quốc tế của KPMG, các nước khi chuẩn bị dự án PPP để đưa ra đấu thầu có bước chuẩn bị, tham vấn rất kỹ lưỡng. CQNNCTQ có thể chủ động hoặc thuê tư vấn làm công việc “test thị trường”, đưa dự án tham khảo ý kiến ngân hàng xem các ngân hàng sẽ cho vay với lãi suất bao nhiêu, tham khảo các nhà đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực xem mức kỳ vọng lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu như thế nào. Từ đó, CQNNCTQ có thể dự báo được khả năng nhà đầu tư tư nhân sẽ chào thầu với mức chi phí như thế nào, biết được dự án đưa ra có khả thi về tài chính hay không, cũng như có cơ sở để lập BCNCKT, HSMT hấp dẫn nhà đầu tư.
Một số quốc gia có thị trường chứng khoán phát triển, CQNNCTQ sẽ thu thập số liệu trên thị trường chứng khoán về mức lợi nhuận bình quân của ngành và các dự án tương tự để làm cơ sở đàm phán mức lợi nhuận của nhà đầu tư BOT.
Theo Nghị quyết số 20/NQ-CP, các dự án BOT thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông bắt buộc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Khi sơ tuyển chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Như vậy, nếu đấu thầu rộng rãi, để dự án đưa ra hấp dẫn nhà đầu tư, CQNNCTQ cần có bước chuẩn bị bài bản, nghiên cứu đầy đủ để dự án khả thi về tài chính.