Dự án bột - giấy gần 9.900 tỷ tại Quảng Ngãi: Cách nào tháo “nút thắt” cho hạng mục xả thải?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Lo ngại môi trường biển bị ô nhiễm khiến hệ sinh thái biển bị hủy hoại như từng xảy ra tại Dự án Formosa Hà Tĩnh, người dân khu vực Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 tại Quảng Ngãi đã có những phản ứng bất đồng với Chủ đầu tư trong việc thi công hạng mục tuyến ống xả nước thải đã qua xử lý ra vịnh Việt Thanh.
Người dân ngăn cản, phản ứng việc thi công tuyến ống dẫn nước thải đã qua xử lý từ Nhà máy Bột - Giấy VNT19 ra biển. Ảnh: Hà Minh
Người dân ngăn cản, phản ứng việc thi công tuyến ống dẫn nước thải đã qua xử lý từ Nhà máy Bột - Giấy VNT19 ra biển. Ảnh: Hà Minh

Dự án Đầu tư Nhà máy Bột - Giấy VNT19 của Công ty CP Bột - Giấy VNT19 có tổng vốn đầu tư gần 9.900 tỷ đồng, được xây dựng tại thôn Phú Long, xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trên tổng diện tích khoảng 117 ha, công suất tiêu thụ 1,4 triệu tấn dăm gỗ/năm. Dự án được khởi công năm 2015, đã qua 3 lần điều chỉnh và gia hạn. Theo kế hoạch, Nhà máy sẽ đi vào hoạt động cuối quý IV năm 2024. Tuy nhiên, quá trình thi công đang phát sinh loạt vướng mắc.

Ngoài những vướng mắc về thủ tục pháp lý trong giao đất, cho thuê đất đối với diện tích 16,2 ha theo tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng của Dự án chưa hoàn thành; 2,1 ha đất lúa của Dự án chưa được HĐND tỉnh Quảng Ngãi thông qua để thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng và giao đất để xây dựng tuyến nối vào Nhà máy; vướng mắc mặt bằng xây dựng đường dây 110kV cấp điện cho Nhà máy, tuyến thoát nước mưa..., Dự án còn bị người dân ở thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị phản đối thi công tuyến ống xả nước thải đã qua xử lý từ Nhà máy ra vịnh Việt Thanh.

Đỉnh điểm là đầu tháng 7/2024, khi nhà thầu đang thi công hạng mục này, người dân đã kéo ra ngăn cản khiến khu vực này trở thành điểm nóng. Lý giải yêu cầu ngừng lắp đặt đường ống, bà Nguyễn Thị Thọ (thôn Lệ Thủy) nói: “Vịnh Việt Thanh thuộc vùng biển Dung Quất đã nuôi sống biết bao thế hệ nơi đây. Bây giờ đưa ống xả thải ra biển, nếu xảy ra ô nhiễm sẽ khiến thuỷ hải sản bị triệt hạ, người dân hết đường mưu sinh nên người dân chưa đồng tình cho Nhà máy làm đường ống”.

Ông Lê Ngọc Hùng cùng ở thôn Lệ Thủy gay gắt nói: “Bài học về Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh xả thải thẳng ra biển khiến người dân không thể yên tâm. Dù các cơ quan nói đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, vậy sao không xả thải ở khu vực khác gần Nhà máy, mà lại xả thẳng ra biển?”.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Bình Sơn cho hay, đây không phải lần đầu người dân có phản ứng bằng hành động đối với dự án này, trước đó đã có vài lần tương tự. Chính quyền Huyện đã tổ chức đối thoại với người dân vùng dự án, nhưng đến nay vẫn chưa thể thuyết phục người dân đồng thuận với việc thi công hạng mục này.

Theo Công ty CP Bột - Giấy VNT19, tuyến ống thoát nước đã qua xử lý, ống xả thải đã qua xử lý từ Nhà máy ra biển dài khoảng 1.195 m, chôn ở độ sâu từ 0 - 19 m, điểm cuối xả ra vùng biển được phép sử dụng có diện tích 0,45 ha; thời hạn sử dụng khu vực biển là 30 năm kể từ ngày 18/1/2024. Dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có quyết định giao khu vực biển cho Chủ đầu tư sử dụng.

Được biết, hướng tuyến ống xả nước đã qua xử lý/nước xả thải này do Công ty CP Tư vấn công nghệ và Kiểm định xây dựng Việt Nam thẩm tra, Cục Quản lý hoạt động xây dựng thuộc Bộ Xây dựng thẩm định. Đại diện Chủ đầu tư cho biết, đã ký hợp đồng với nhà thầu Aquaflow của Phần Lan để thiết kế, thi công mới tuyến ống, công suất 50.000 m3/ngày đêm. “Dự án đang trong giai đoạn xây dựng và lắp đặt thiết bị nên chưa có hoạt động xả nước đã qua xử lý ra môi trường. Dù vậy, chúng tôi đã cam kết dừng hoạt động, chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khôi phục hiện trạng nếu để xảy ra sự cố môi trường”, Chủ đầu tư nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền, đối với những vướng mắc của Dự án, Tỉnh đã yêu cầu UBND huyện Bình Sơn chủ trì, phối hợp với Chủ đầu tư và các sở, ngành liên quan làm việc, rà soát các nội dung liên quan để báo cáo UBND Tỉnh, nhất là các thủ tục pháp lý liên quan đến vấn đề môi trường của Dự án. Tỉnh cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với địa phương, Chủ đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi giải quyết từng vấn đề cụ thể liên quan đến lĩnh vực đất đai; tích cực tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân đối với chủ trương, chính sách của Nhà nước liên quan đến việc xả thải của Nhà máy Bột - Giấy VNT19.

Chuyên đề