Dự án BOT cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ: Rà soát, lập lại sơ bộ tổng mức đầu tư

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Tuyên Quang về kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai theo hình thức BOT. 
Bộ Xây dựng đề nghị Tuyên Quang rà soát suất vốn đầu tư phần đoạn tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ. Ảnh: Lê Gia Khoa
Bộ Xây dựng đề nghị Tuyên Quang rà soát suất vốn đầu tư phần đoạn tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ. Ảnh: Lê Gia Khoa

Với hàng loạt thiếu sót trong Đề xuất Dự án, sơ bộ tổng mức đầu tư không thống nhất giữa các tài liệu…, UBND tỉnh Tuyên Quang cần lập lại sơ bộ tổng mức đầu tư theo đúng quy định, bổ sung, làm rõ nhiều nội dung.

Số liệu tổng mức đầu tư sơ bộ không thống nhất

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Công văn số 5056/VPCP-CN ngày 30/5/2018, thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức thẩm định chủ trương đầu tư dự án BOT nói trên.

Theo hồ sơ Dự án, tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ dài 40,2 km, đi qua địa bàn 2 tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ với phạm vi giải phóng mặt bằng khoảng 227,7 ha. Tổng mức đầu tư sơ bộ của Dự án hiện nay là 2.889,95 tỷ đồng, cao hơn sơ bộ tổng mức đầu tư tại Tờ trình của UBND tỉnh Tuyên Quang gửi Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án vào tháng 4/2018 (2.717,15 tỷ đồng).

Trong đó, nguồn vốn của nhà đầu tư là 2.379,16 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu là 387,8 tỷ đồng, tương đương 16,3% tổng mức đầu tư Dự án; vốn vay là 1.991,35 tỷ đồng, tương đương 83,7%) và vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (cho công tác giải phóng mặt bằng) là 510,79 tỷ đồng.

Sau quá trình đánh giá, thẩm định hồ sơ Dự án, Bộ KH&ĐT cho biết, sơ bộ tổng mức đầu tư không thống nhất giữa các tài liệu. Việc tính chung chi phí xây dựng và thiết bị là chưa phù hợp với quy định tại Nghị định số 32/2015/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư; các khoản chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác được tạm tính 10% theo chi phí xây dựng là chưa phù hợp với Thông tư số 06/2016/TT-BXD và Quyết định số 79/2017/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng. Từ đó, Bộ KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang rà soát, lập lại sơ bộ tổng mức đầu tư theo đúng quy định, trong đó lưu ý rà soát, cắt giảm chi phí đầu tư các hạng mục không cần thiết, các hạng mục đầu tư của Dự án trùng lắp; bổ sung các chi phí rà phá bom mìn, chi phí vận hành, đầu tư hệ thống giao thông thông minh, hệ thống thu phí dịch vụ tự động không dừng… đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ và tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng.

Về suất vốn đầu tư của Dự án, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các đơn vị rà soát suất vốn đầu tư phần đoạn tuyến cao tốc đảm bảo phù hợp với quy mô, thời điểm lập sơ bộ tổng mức đầu tư, khu vực xây dựng và các điều kiện của công trình. Đối với suất vốn đầu tư phần nút giao thông, Bộ Xây dựng đề nghị điều chỉnh suất vốn đầu tư cầu nhánh Ramp, cầu vượt Quốc lộ 70, nhánh nút giao IC9, cầu Kỳ Lãm và cầu Đoan Hùng cho phù hợp với suất vốn đầu tư do bộ này công bố và đặc điểm công trình. 

Nhiều nội dung cần bổ sung, làm rõ

Báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án của Bộ KH&ĐT cho biết, hồ sơ Dự án còn một số tồn tại như: chưa có báo cáo thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của cơ quan có thẩm quyền; chưa có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của cấp có thẩm quyền; chưa có hồ sơ về tư cách pháp lý, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư.

Nhà đầu tư lập Đề xuất Dự án là Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường. Theo ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, hồ sơ Dự án chưa có các tài liệu chứng minh tư cách pháp lý, năng lực, kinh nghiệm của Nhà đầu tư theo quy định tại Điều 23 Nghị định 63/2018/NĐ-CP. Do đó, chưa có cơ sở xem xét năng lực (tài chính, hoạt động…) của Nhà đầu tư đáp ứng nguồn vốn chủ sở hữu cho Dự án. Còn về nguồn vốn vay thì Nhà đầu tư cần báo cáo rõ khả năng huy động vốn vay cho Dự án, đặc biệt Dự án chưa khẳng định được tính khả thi về nguồn vốn vay.

Ngân hàng Nhà nước nêu ý kiến, Dự án song song với tuyến Quốc lộ 2, đồng thời đây là tuyến đường đầu tư mới trên địa bàn các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn, nên việc áp dụng mức phí 1.500 đồng/km (tương đương một số tuyến cao tốc có quy mô 4 - 6 làn xe hoàn chỉnh hiện nay, vận tốc 100 - 120 km/h) cho tuyến đường có quy mô 2 làn xe, vận tốc thiết kế 60 - 80 km/h là không phù hợp.

Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng cho biết, Đề xuất Dự án của Nhà đầu tư chưa làm rõ sự cần thiết phải đầu tư dự án này so với các dự án cao tốc, quốc lộ khác do Bộ Giao thông vận tải được giao quản lý. Hồ sơ Dự án cũng chưa làm rõ cơ sở lựa chọn đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT; đồng thời chưa làm rõ sự phù hợp của việc đầu tư Dự án với các mục tiêu chiến lược, kế hoạch và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng, lãnh thổ, quy hoạch của các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang và các quy hoạch khác có liên quan…

Chuyên đề