Dự án bến cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng): Doanh nghiệp nào sẽ là nhà đầu tư?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với mong muốn nắm bắt cơ hội từ Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, Công ty CP Cảng Đà Nẵng đã thông qua chủ trương để thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, kinh phí khoảng 7.400 tỷ đồng từ nguồn vốn tự huy động và vốn vay. Tuy nhiên, hồ sơ Dự án của Cảng Đà Nẵng gặp một số dấu hỏi phải giải trình, trong khi một chủ thể khác muốn cạnh tranh Dự án cảng Liên Chiểu lại cho thấy có tiềm lực mạnh hơn Cảng Đà Nẵng.
Bên cạnh khai thác cảng Tiên Sa, Công ty CP Cảng Đà Nẵng cũng là doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị được đầu tư 2 bến cảng Liên Chiểu - giai đoạn khởi động
Bên cạnh khai thác cảng Tiên Sa, Công ty CP Cảng Đà Nẵng cũng là doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị được đầu tư 2 bến cảng Liên Chiểu - giai đoạn khởi động

Hiện trạng Dự án cảng Liên Chiểu

Tháng 2/2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược, Kế hoạch đầu tư phát triển và Kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Trong đó, có nội dung: “Dự án Đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, giai đoạn khởi động do Công ty CP Cảng Đà Nẵng làm Chủ đầu tư có quy mô 2 bến có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 100 nghìn tấn giảm tải, 50 nghìn tấn đủ tải; thời gian thực hiện từ 2017 - 2024 và đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2023 hoặc 2024”.

Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - giai đoạn khởi động có tổng mức đầu tư dự kiến gần 6.484 tỷ đồng, trong đó, vốn góp bằng tiền mặt của nhà đầu tư là 2.269 tỷ đồng. Nắm bắt cơ hội thực hiện Dự án, Cảng Đà Nẵng đề nghị HĐQT Công ty chấp thuận chủ trương để thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, kinh phí khoảng 7.400 tỷ đồng từ nguồn vốn tự huy động và vốn vay, đồng thời, báo cáo Bộ Giao thông vận tải, đề nghị được hỗ trợ trong “Đề án di dời, chuyển đổi công năng khu bến cảng Tiên Sa gắn với tiến trình đầu tư khai thác khu bến cảng Liên Chiểu” (thực hiện từ năm 2026); được chỉ định là nhà đầu tư, khai thác 2 bến khởi động khu bến cảng Liên Chiểu.

Tuy nhiên, theo các đơn vị chuyên môn, bến cảng Liên Chiểu - phần hạ tầng dùng chung có thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2021 - 2025 và cho đến nay vẫn chưa rõ phương án đầu tư (2 hay nhiều bến), nên chưa thể xác định thời điểm hoàn thành đưa vào sử dụng. Do vậy, việc đề xuất chuyển đổi công năng bến cảng Tiên Sa bắt đầu từ năm 2026 của Cảng Đà Nẵng chưa phù hợp với thực tế và tiến độ chuyển đổi công năng bến cảng này theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngoài ra, hồ sơ Dự án của Cảng Đà Nẵng thể hiện giá trị tài sản cố định chuyển từ cảng Tiên Sa sang cảng Liên Chiểu năm 2025 - 2026 khoảng 500 tỷ đồng. Như vậy, vốn góp của nhà đầu tư không hoàn toàn là tiền mặt, nên Cảng Đà Nẵng được yêu cầu làm rõ nội dung này.

Về khả năng chỉ định nhà đầu tư khai thác 2 bến khởi động của khu bến cảng Liên Chiểu, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đà Nẵng, Dự án cảng Liên Chiểu sẽ được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và Cảng Đà Nẵng phải nộp hồ sơ hợp lệ để được xem xét.

Chưa rõ phương án đầu tư

Tại kỳ họp HĐND TP. Đà Nẵng cuối tháng 12/2023, UBND Thành phố cho biết đã trình 2 phương án đầu tư đến các bộ, ngành và Chính phủ. Theo đó, phương án 1 là triển khai thủ tục kêu gọi đầu tư 2 bến cảng trong giai đoạn đầu với tổng chiều dài cầu cảng 750 m; các bến cảng tiếp theo sẽ được triển khai sau. Phương án 2 triển khai thủ tục kêu gọi đầu tư một lần cho toàn bộ khu bến cảng (phân kỳ đầu tư) với tổng diện tích 450 ha..., tổng công suất khu bến cảng đạt 50 triệu tấn/năm vào năm 2050.

Trên cơ sở phân tích 2 phương án đề xuất, UBND TP. Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng xem xét, quyết định lựa chọn phương án 2; đồng thời kiến nghị Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT hướng dẫn TP. Đà Nẵng thực hiện các thủ tục đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Đến thời điểm hiện tại, bên cạnh Cảng Đà Nẵng nộp hồ sơ hợp lệ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư (theo phương án 1), có thêm Liên doanh Công ty Cảng Adani (Ấn Độ) - Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát cũng nộp hồ sơ. Adani từng chia sẻ ý định dành 10 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng tháng 6/2022. Adani cam kết hợp tác chặt chẽ với TP. Đà Nẵng hỗ trợ và đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu cùng toàn bộ khu tiếp vận và khu công nghiệp tại Đà Nẵng, đưa khu vực này trở thành cửa ngõ kinh tế của miền Trung Việt Nam.

Góp mặt trong liên danh với Adani là Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát (trụ sở tại Thanh Hoá). Theo thông tin từ website Công ty, những năm gần đây, doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng bình quân hàng năm từ 120 - 170%.

Về phía Cảng Đà Nẵng, Báo cáo tài chính quý III/2023 cho biết, 9 tháng đầu năm 2023, Công ty đạt hơn 904,6 tỷ đồng doanh thu và 205 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Để có thông tin về tiến độ bổ sung thủ tục đầu tư Dự án cảng Liên Chiểu, phóng viên Báo Đấu thầu liên hệ với ông Trần Lê Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng nhưng ông Tuấn chọn cách im lặng.

Chuyên đề