Dự án 3.654,4 tỷ đồng kết nối giao thông Tây Nguyên: Gập ghềnh ngày về đích

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tháng 6/2024 là thời hạn hoàn thành của Gói thầu XL01 Thi công đoạn Quốc lộ 19 từ Km50 đến Km67, bao gồm 2 cầu (cầu Bàu Sen và cầu Ba La) thuộc Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên. Nhưng đã quá thời hạn 4 tháng mà mặt bằng cho Gói thầu vẫn đang vướng. Thực tế thi công tại công trường cho thấy Dự án khó có thể đưa vào khai thác trong năm 2024.
Gói thầu XL01 Thi công đoạn Quốc lộ 19 từ Km50 đến Km67 thuộc Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên trị giá hơn 569 tỷ đồng. Ảnh: Song Lê
Gói thầu XL01 Thi công đoạn Quốc lộ 19 từ Km50 đến Km67 thuộc Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên trị giá hơn 569 tỷ đồng. Ảnh: Song Lê

Theo Chủ đầu tư Dự án là Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải), Gói thầu XL01 vẫn đang trong quá trình thi công. Gói thầu trị giá 569,56 tỷ đồng này do Công ty CP Xây dựng Trung Nam 18 E&C là nhà thầu thi công với chiều dài tuyến 17 km, trong đó có 2 hạng mục cầu Bàu Sen và cầu Ba La, thời gian thực hiện từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2024. Đến nay, phần đường đã thảm được 90,01% bê tông nhựa C19 và 62,63% bê tông nhựa mác C12,5; phần cầu Ba La và cầu Bàu Sen phạm vi đường dẫn vướng 2 hộ dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường do nứt nhà; rãnh U và mương hình thang một số đoạn vẫn vướng mặt bằng cả bên phải và trái tuyến. Riêng cầu Bàu Sen còn hạng mục đường đầu cầu mố A2 bên trái tuyến (hướng Gia Lai) vướng mặt bằng do các hộ dân đề nghị hỗ trợ nâng nền. Cầu Ba La mới hoàn thành bản mặt cầu nhịp P1-P2 và nhịp P2-A2, lao lắp xong dầm nhịp A1-P1. Tại Km61 đến Km67 được chia làm 13 đoạn thi công đào mở tuyến mới nhằm tăng bán kính đường cong nhưng mới thi công hoàn thiện cơ bản 10 đoạn, 3 đoạn chưa thi công…

Do tiến độ chậm trễ, cuối tháng 8/2024, Ban Quản lý dự án 2 đã họp với nhà thầu thi công, tư vấn giám sát nhằm kiểm điểm tình hình. Tại buổi họp, Nhà thầu cam kết đối với thi công đoạn tuyến trên đèo An Khê, công tác đào nền (đào đá, đào đất) hoàn thành muộn nhất vào 21/9/2024; hoàn thành toàn bộ thảm bê tông nhựa khu vực trên đèo trước 30/9/2024; cầu Ba La hoàn thiện trước 30/10; thi công rãnh U kín, thảm bê tông nhựa, thi công tường chắn, đường gom, đường đầu cầu Ba La, đường gom cầu Bàu Sen đảm bảo hoàn thành trước 30/10/2024. Dù vậy, đối với các mốc tiến độ 21/9 và 30/9, theo Chủ đầu tư, đến nay nhà thầu chưa hoàn thành. Trong khi đó, phần vướng mặt bằng hạng mục cầu Bàu Sen và cầu Ba La vẫn chưa được khai thông.

Cũng theo Ban Quản lý dự án 2, thời gian qua, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải), Chủ đầu tư và tư vấn giám sát đã có nhiều văn bản đôn đốc Trung Nam E&C về các mốc thời gian thi công Gói thầu XL01 cũng như huy động thiết bị, vật tư, nhân lực để có thể hoàn thành Gói thầu theo đúng tiến độ. Tuy nhiên, hầu hết các yêu cầu chưa được Nhà thầu thực hiện kịp thời dẫn đến tiến độ triển khai chậm, đặc biệt đối với các đoạn trên đèo An Khê.

Theo đánh giá của Chủ đầu tư, về khách quan, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa được địa phương thực hiện triệt để, nhất là liên quan đến các hộ bị ảnh hưởng tại phạm vi cầu Ba La và cầu Bàu Sen nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công của Nhà thầu. Mặt khác, Nhà thầu chưa thực sự quyết tâm triển khai, chưa tập trung huy động nhân lực, máy móc thiết bị và vật tư để triển khai theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 và các bên liên quan. Ngoài ra, cán bộ ban điều hành của Nhà thầu còn thiếu kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị nguồn vật tư, thiết bị.

“Để đảm bảo thời hạn sử dụng nguồn vốn vay và hoàn thành Dự án trong năm 2024, Chủ đầu tư đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải đề nghị chính quyền địa phương tuyên truyền vận động hoặc phải có giải pháp mạnh mẽ để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công; đôn đốc, nhắc nhở nhà thầu cần tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh thi công hoàn thành Gói thầu theo các nội dung đã cam kết”, Ban Quản lý dự án 2 cho biết.

Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên có tổng chiều dài tuyến 143,6 km kết nối tỉnh Bình Định và Gia Lai, tổng vốn đầu tư hơn 3.654,4 tỷ đồng (tương đương 155,8 triệu USD), trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) là 150 triệu USD. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Định dài 17 km, đoạn qua tỉnh Gia Lai dài 126,34 km. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2017 - 2024 (khởi công ngày 18/6/2021, dự kiến hoàn thành ngày 31/12/2024). Dự án có 8 gói thầu xây lắp, trong đó, 5 gói thầu đã hoàn thành (XL02, XL03, XL05, XL06, XL07), 2 gói thầu đã hoàn thành khối lượng theo hợp đồng và đang hoàn thiện các phát sinh thay đổi (XL04B, XL04A). Giá trị sản lượng thi công các gói thầu đến nay là 2.087/2.164 tỷ đồng, đạt 97,5% giá trị hợp đồng.

Chuyên đề