Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC |
Thị trường chứng khoán Mỹ giằng co trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (10/5), với chỉ số Dow Jones giảm phiên thứ tư liên tiếp trong bối cảnh giá cổ phiếu nỗ lực gượng dậy từ những phiên bán tháo trước đó. Giá dầu thô WTI không giữ được mốc 100 USD/thùng vì mối lo suy giảm tăng trưởng kinh tế và đồng USD mạnh, trong khi tiền ảo Bitcoin nỗ lực duy trì mốc 30.000 USD.
Lúc đóng cửa, Dow Jones mất 89,96 điểm, tương đương giảm 0,26%, còn 32.160,74 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,25%, đạt 4.001,05 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,98%, đạt 11.737,67 điểm.
Đây là một phiên loay hoay tìm xu hướng, sau khi thị trường đã bán tháo “điên cuồng” trong mấy phiên trước. Các chỉ số nhùng nhằng giữa giảm và tăng, có lúc Dow Jones tăng hơn 500 điểm và có lúc giảm 350 điểm.
“Chúng ta đang ở trong một thị trường khó giữ vững được bất kỳ thành quả tăng nào”, chuyên gia Paul Hickey của Bespoke Investment Group nhận định. “Không có gì đáng ngạc nhiên, xét tới xu hướng tổng quát mà chúng ta đã chứng kiến trong mấy ngày qua. Tôi cho rằng thị trường còn diễn biến kiểu này trong thời gian tới”.
Cổ phiếu công nghệ - nhóm bị bán mạnh nhất trong những phiên trước - giữ vai trò trụ cột của thị trường trong phiên này. Microsoft và Apple tăng hơn 1% mỗi cổ phiếu, Intel và Salesforce tăng hơn 2%.
“Cổ” công nghệ đã bị xả hàng dữ dội trong mấy tuần gần đây, khi nhà đầu tư rút vốn khỏi các lĩnh vực tăng trưởng để chuyển tiền sang những nhóm ngành có độ an toàn và ổn định cao hơn như tiêu dùng thiết yếu và tiện ích trong bối cảnh nỗi lo về nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng lớn.
“Cho tới thời điểm này, sự giảm điểm của thị trường được dẫn dắt bởi cổ phiếu tăng trưởng, cổ phiếu công nghệ và những nhóm có tính chu kỳ cao. Chúng tôi tin là thị trường sẽ còn đuối, thậm chí đã xuất hiện những dấu hiệu đáng lo ngại ở những nhóm cổ phiếu giá trị. Những nhóm này có thể lập một mức đỉnh quan trọng trong ngắn hạn, một số nhóm phòng thủ chủ đạo cũng có vẻ sắp đỉnh rồi”, nhà phân tích David Sneddon của Credit Suisse nhận định.
Trong quá trình bán tháo, nhà đầu tư tiếp tục tìm kiếm những dấu hiệu chạm đáy. Một số chuyên gia cho rằng đợt bán tháo này đã gần kết thúc.
“Chúng tôi đã kiểm tra tất cả các yếu tố, và có thể thấy là ở những cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu, có vẻ như quá trình điều chỉnh đã bước vào những giai đoạn cuối”, chiến lược gia Art Hogan của National Securities phát biểu.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã giảm từ đỉnh của hơn 3 năm thiết lập cách đây ít hôm, với lợi suất của kỳ hạn 10 năm giảm dưới mốc 3%.
Phần lớn sự biến động của thị trường gần đây xuất phát từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát. Ngoài ra, nhà đầu tư tiếp tục theo dõi cuộc chiến tranh Nga-Ukraine và phong toả chống Covid-19 ở Trung Quốc.
“Chưa có dấu hiệu nào cho thấy những áp lực đó sẽ dịu đi. Tôi cho rằng thị trường sẽ khó xác định được phương hướng”, chuyên gia Tim Lesko của Mariner Wealth Advisors phát biểu.
Trong phiên ngày thứ Hai, S&P 500 đã giảm dưới mốc 4.000 điểm, thấp nhất kể từ tháng 3/3031. Phiên ngày thứ Ba, mốc chủ chốt này đã được thiết lập trở lại, nhưng S&P 500 hiện vẫn giảm khoảng 17% so với mức đỉnh của 52 tuần.
Nhà đầu tư đang chờ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ dự kiến công bố ngày thứ Tư. Theo dự báo, mức tăng CPI tháng 4 thấp hơn một chút so với mức tăng 8,5% của tháng 3 và có thể là một dấu hiệu cho thấy lạm phát ở Mỹ đã đỉnh.
Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 3,33 USD/thùng, tương đương giảm 3,2%, còn 99,76 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên giá dầu WTI giảm dưới 100 USD/thùng kể từ hôm 27/4.
Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 3,48 USD/thùng, tương đương giảm 3,3%, còn 102,46 USD/thùng. Trước đó, trong phiên ngày thứ Hai, cả giá dầu WTI và Brent cùng giảm khoảng 6%.
Đồng USD vẫn đang ở vùng đỉnh của 20 năm thiết lập vào đầu tuần này, gây áp lực mất giá lên dầu thô và năng lượng này được định giá bằng đồng bạc xanh. Đồng USD tăng giá do Fed thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn các ngân hàng trung ương khác trên thế giới.
Ngoài ra, giá dầu còn chịu sức ép giảm từ triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu xấu đi, khi Trung Quốc tiếp tục phong toả nhiều địa phương để chống Covid và kinh tế Mỹ có nguy cơ suy thoái vì chính sách tiền tệ thắt chặt.
Tuy nhiên, tình hình nguồn cung vẫn đang hỗ trợ giá dầu, vì châu Âu đang tiến tới cấm vận dầu Nga và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) từ chối những lời kêu gọi về nâng sản lượng mạnh hơn. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vừa cắt giảm dự báo sản lượng dầu của Mỹ trong năm nay và năm tới. EIA cho rằng sản lượng dầu của Mỹ trong năm 2022 chỉ đạt bình quân 11,9 triệu thùng/ngày, so với dự báo đưa ra trước đó là 12 triệu thùng/ngày.
Trên thị trường tiền ảo, mốc 30.000 USD của Bitcoin đang duy trì, sau khi đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới tuột khỏi mốc này trong phiên đầu tuần do sức ép bán tháo từ thị trường chứng khoán. Lúc hơn 8h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 31.169 USD, tăng hơn 3,3% so với cách đó 24 tiếng.