Đột phá tư duy quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc thay đổi từ quản lý doanh nghiệp sang quản lý hiệu quả dòng vốn đầu tư của Nhà nước theo Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được cho là bước đột phá về quan điểm quản lý vốn nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng chặt chẽ quy định để bảo đảm kiểm soát chất lượng dòng vốn đầu tư song cũng cần tính đến yếu tố khách quan và đánh giá rủi ro bất khả kháng khi đánh giá hiệu quả đầu tư.
Việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cần rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Ảnh: Tiên Giang
Việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cần rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Ảnh: Tiên Giang

Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó, bổ sung Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Theo kế hoạch, Dự thảo Luật sẽ trình Chính phủ vào tháng 8/2024, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9/2024, trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tiên vào tháng 10/2024, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.

Ông Bùi Tuấn Minh, Thành viên Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập Dự thảo Luật, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, trong thời gian qua, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp... Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Luật số 69/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn trong thực tế đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cần rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và định hướng cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong thời gian tới.

Điểm đáng chú ý tại Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (thay thế Luật số 69) là thực hiện nguyên tắc Nhà nước không trực tiếp quản lý pháp nhân doanh nghiệp, Nhà nước chỉ quản lý dòng vốn đầu tư tại doanh nghiệp và doanh nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp; phân công rõ, phân cấp mạnh, cụ thể trong việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp...

Dự thảo Luật xác định lại nội hàm khái niệm “vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp” theo đúng bản chất kinh tế. Theo đó, vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được xác định là phần vốn của Nhà nước làm chủ sở hữu được đầu tư tại doanh nghiệp và doanh nghiệp đã nhận tương ứng với tỷ lệ vốn góp tại doanh nghiệp.

Dự thảo Luật cũng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, UBND cấp tỉnh, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp trong quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp bảo đảm tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các chủ thể.

Về giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Dự thảo nêu rõ, công tác kiểm tra, thanh tra được các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện theo kế hoạch, đột xuất hoặc chuyên đề. Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra, thanh tra cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư đối với hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và hoạt động đầu tư vốn của doanh nghiệp, tổ chức sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp. Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn thực hiện giám sát, kiểm tra tình hình quản lý, đầu tư vốn của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp và doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác.

Dự thảo Luật cũng quy định, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư là công ty đại chúng thực hiện công khai, công bố thông tin theo quy định của pháp luật về chứng khoán; đồng thời phải gửi cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Dự thảo Luật mới nêu rõ tính chủ động của Nhà nước với vai trò nhà đầu tư, có thể đầu tư nếu lĩnh vực ấy mang lại lợi ích chiến lược mà Nhà nước hướng tới, như an ninh quốc phòng hoặc các giá trị khác. Việc xác định tên luật, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng là chính xác và đã hướng tới tương lai để đầu tư vốn. Đặc biệt, nội dung các chính sách đã thể hiện tư duy thị trường, xác định Nhà nước là một chủ đầu tư vốn trong doanh nghiệp như các nhà đầu tư khác.

TS. Võ Trí Thành đánh giá cao việc tách bạch về chức năng chủ sở hữu và chức năng quản lý của Nhà nước tại Dự án Luật, vốn nhà nước sau khi đầu tư vào doanh nghiệp được xem như tài sản vốn pháp nhân của doanh nghiệp. “Đây là “cuộc cách mạng” trong thay đổi tư duy và đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Trong đó, cần quy định chặt chẽ các nội dung để bảo đảm quản lý hiệu quả dòng vốn nhà nước. Mặt khác, việc đánh giá tổng thể hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư cần tính đến yếu tố khách quan và xem xét đánh giá rủi ro bất khả kháng”, ông Thành nhấn mạnh.

Chuyên đề