Đột phá chính sách, khơi nguồn năng lượng xanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế sang sử dụng năng lượng xanh nhằm thực hiện mục tiêu đến 2050, Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 như cam kết với quốc tế. Tuy nhiên, lộ trình hiện thực hóa mục tiêu chiến lược đang đặt ra nhiều bài toán thách thức, đòi hỏi cơ chế chính sách đột phá để thành công.
Việt Nam đang ở tình trạng thâm dụng năng lượng so với nhiều nền kinh tế khác, có thể ảnh hưởng về hiệu quả tăng trưởng trong dài hạn. Ảnh: Tiên Giang
Việt Nam đang ở tình trạng thâm dụng năng lượng so với nhiều nền kinh tế khác, có thể ảnh hưởng về hiệu quả tăng trưởng trong dài hạn. Ảnh: Tiên Giang

Tham vọng thập kỷ của Việt Nam

Mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam được thể hiện đồng thời ở nhiều lĩnh vực như đầu tư mới nguồn điện tái tạo, thúc đẩy doanh nghiệp tự đầu tư mới nguồn điện và đổi mới công nghệ, xanh hoá quá trình sản xuất, vận hành doanh nghiệp…

Đối với lĩnh vực đầu tư mới nguồn điện, để từng bước dịch chuyển từ nguồn điện nâu (điện than) sang điện xanh (điện mặt trời, điện gió, khí amoniac, hydro…), tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII). Theo đó, nguồn điện Việt Nam sẽ chuyển dần sang xanh và bền vững, ưu tiên các nguồn năng lượng xanh, sạch như năng lượng tái tạo, năng lượng mới và không phát triển mới nhiệt điện than, ngoại trừ những dự án từ quy hoạch cũ.

Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.

Cũng theo Quy hoạch điện VIII, giai đoạn 2021-2030, ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải là 134,7 tỷ USD; 2031-2050 ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2-523,1 tỷ USD. Mức đầu tư lớn đòi hỏi cần huy động mọi nguồn lực xã hội mới có thể đáp ứng.

Chờ chính sách mới

Trong các năm qua, để thu hút các nguồn lực tư nhân phát triển nguồn điện, hàng loạt chính sách, cơ chế về giá cho các dự án nguồn điện mới đã được áp dụng, nổi bật nhất là quy định về giá ưu đãi đối với điện mặt trời, điện gió tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg.

Với cơ chế ưu đãi về giá (giá FIT), trong mấy năm trở lại đây nước ta chứng kiến sự bùng nổ về nguồn cung điện tái tạo với nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VNDirect, CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam hiện dẫn đầu mảng năng lượng tái tạo với 7% thị phần điện gió, điện mặt trời. Tiếp đó là Tập đoàn Xuân Thiện chiếm khoảng 5,3%; BIM Group chiếm 1,8%; T&T Group chiếm 1,2%… Tuy nhiên, khi chính sách hưởng giá ưu đãi FIT hết hiệu lực cuối năm 2021, hàng loạt dự án rơi vào cảnh “đắp chiếu” và phải ngóng chờ cơ chế giá mới, trong khi tính đến thời điểm hiện nay, Bộ Công Thương vẫn đang xây dựng dự thảo Thông tư về khung giá mới cho điện mặt trời, điện gió, chờ lấy ý kiến các bộ, ban ngành.

Hàng loạt doanh nghiệp liên tục gửi đơn kêu cứu lên các cơ quan chức năng, nhưng bài toán gỡ khó vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Các chuyên gia cho rằng, vướng mắc trong phát triển điện tái tạo, chuyển đổi năng lượng xanh tại Việt Nam hiện nay chính là thiếu cơ chế ưu đãi cụ thể, xuyên suốt và ổn định. Nhà đầu tư bỏ lượng tiền rất lớn để đầu tư, song vì một số lý do (như đại dịch Covid-19, suy giảm kinh tế toàn cầu…), dự án chậm hoàn thành, khiến doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi, thiệt đơn, hại kép.

Trong bức tranh tổng quan, Việt Nam đang ở tình trạng thâm dụng năng lượng so với nhiều nền kinh tế khác, có thể ảnh hưởng về hiệu quả tăng trưởng trong dài hạn. Dẫn chứng về thực trạng này, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình thạc sỹ chính sách công, Trường đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, từ năm 2017 đến 2019, tỷ lệ tăng trưởng sản lượng điện trên tăng trưởng GDP của Việt Nam là 1,25-1,3, giảm xuống gần 1,1 vào năm 2020 và bình quân là 1,15 vào 2 năm dịch Covid-19 (2021-2022).

Trong nửa đầu năm 2023, tỷ lệ này giảm xuống dưới 0,5. Hiện tại, mức tiêu thụ điện bình quân đầu người của Việt Nam là 2.800 kWh. Nền kinh tế Việt Nam có cường độ sử dụng điện cao hơn cả Trung Quốc và cao gấp đôi Thái Lan. Một trong những yêu cầu của chuyển đổi xanh là Việt Nam phải giảm cường độ sử dụng năng lượng, trong đó quan trọng nhất là sử dụng điện.

Ông Thành cho biết, Trung Quốc hiện tiêu thụ gần 6.000 kWh/người, nhưng có GDP bình quân đầu người gấp 3 lần mức hiện tại của Việt Nam, Vương quốc Anh thì gấp hơn 10 lần. Ở kịch bản tăng trưởng lạc quan, GDP/người của Việt Nam sẽ đạt 7.000 USD năm 2030, xấp xỉ một nửa GDP bình quân đầu người hiện tại của Trung Quốc, nhưng mức tiêu thụ điện 4.500 kWh/người là quá lớn.

Để giải quyết thực trạng trên, ông Thành cho rằng, trước mắt Việt Nam cần ưu tiên củng cố lưới điện để truyền tải điện tái tạo từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ (cơ chế bán điện trực tiếp đến hộ sử dụng điện lớn - DPPA). Bên cạnh đó, cần ưu tiên xây dựng một hệ thống đấu thầu giá điện cho các nhà sản xuất năng lượng tái tạo. Thực tế, điện mặt trời và điện gió (cũng như hydro) có chi phí vận hành thấp hoặc gần bằng không, còn lại chủ yếu là chi phí cố định, nên các nguồn phát này có lợi thế tự nhiên khi tham gia đấu thầu giá điện so với nguồn điện than hay điện khí đốt hiện nay.

GS.TSKH Hoàng Xuân Cơ, Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục tạo cơ chế phù hợp, tăng cường hợp tác công tư trong chuyển đổi năng lượng xanh. Cụ thể, chính sách giá FIT cần được thực hiện với lộ trình dài hơi nhằm nuôi dưỡng doanh nghiệp và thu hút tư nhân đầu tư vào ngành điện. “Chính phủ cần huy động nguồn vốn xã hội bằng phát hành trái phiếu và cho vay lại để doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi năng lượng xanh với lãi suất thấp, vốn dài hạn, ổn định”, ông Cơ đề xuất.

Trong đánh giá của GS. TSKH Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nước ta có nhiều điều kiện về tự nhiên để chuyển đổi sang năng lượng xanh, nhưng lại thiếu giải pháp khả thi, hiệu quả. Ông Lược cho rằng: “Cần cấp thiết cải tổ ngành điện, trong đó cho phép tư nhân tham gia truyền tải điện để cạnh tranh, đồng thời đẩy nhanh vận hành thị trường bán lẻ cạnh tranh”.

Theo ông Lược, những vấn đề như: các dự án điện tái tạo không huy động hết, dư thừa; thiếu điện cục bộ tại miền Bắc; cắt điện diện rộng tại nhiều địa phương; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ lớn (năm 2022 lỗ 26.300 tỷ đồng)… là bức tranh thực tế cho thấy bất cập của ngành điện. Ông Lược kiến nghị Chính phủ cần khẩn trương lập Tổ nghiên cứu về tư nhân hoá truyền tải điện, thậm chí cần xây dựng Luật riêng về tư nhân hóa truyền tải điện, xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh và cần làm rõ đâu là việc kinh doanh có lãi, có hiệu quả, đâu là đảm bảo lợi ích quốc gia, an ninh năng lượng, ổn định xã hội. "Nguyên tắc đơn giản là cái gì tư nhân làm được hoặc có thể làm được, hãy kêu gọi họ làm và Nhà nước rút ra. Luật cần xây dựng dựa trên sự cạnh tranh, hiệu quả kinh tế, còn đồng vốn Nhà nước cần tối ưu hoá để dồn cho các khu vực khác cần hơn", ông Lược khuyến nghị.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư