Đồng yên tăng cao nhất trong 1 năm rưỡi

Đồng tiền của các nước mới nổi trong khu vực châu Á bị nhà đầu tư bán mạnh trong tâm lý ngại rủi ro...
Giá dầu giảm sâu sau sụ sụp đổ của cuộc đàm phán tại Doha cũng khiến nhà đầu tư mua đồng yên nhiều hơn - Ảnh: Reuters
Giá dầu giảm sâu sau sụ sụp đổ của cuộc đàm phán tại Doha cũng khiến nhà đầu tư mua đồng yên nhiều hơn - Ảnh: Reuters

Phiên giao dịch ngày đầu tuần, đồng lên leo lên sát mức cao nhất trong 18 tháng so với đồng USD bởi giới đầu tư dự báo dưới áp lực từ các nước đồng minh thuộc G20, chính phủ Nhật sẽ không thể trực tiếp can thiệp để hạ giá đồng yên, theo tin từ Wall Street Journal. 

Phiên ngày thứ Hai, đồng yên tăng giá khoảng 1,4% so với đồng USD. Đồng tiền của các nước mới nổi trong khu vực châu Á bị nhà đầu tư bán mạnh trong tâm lý ngại rủi ro. Ngoài ra, giá dầu giảm sâu cũng tác động xấu đến đồng nội tệ của nhóm nước này. 

Chốt phiên, đồng yên giao dịch với đồng USD ở mức 108,02 yên/USD. Mức cao nhất trong 1 năm rưỡi thiết lập vào ngày 11/4 là 107,61 yên/USD. 

Cuối tuần qua, nhóm nước thuộc G20 đã nhóm họp. Trước đó không ít chuyên gia trên thị trường đầu tư cho rằng G20 sẽ hỗ trợ Nhật hạ giá đồng yên, chính vì vậy trước đó đồng yên giảm khá sâu, nhờ thế thị trường chứng khoán Nhật tăng đến 6,5% trong tuần. 

Tuy nhiên cuối ngày thứ Sáu, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew đã “dội gáo nước lạnh” vào người đồng cấp Nhật khi tuyên bố thị trường ngoại tệ thế giới vẫn ổn định bất chấp việc đồng yên tăng giá mạnh trong thời gian gần đây. Như vậy có nghĩa là Mỹ, đồng minh thân cận nhất, sẽ không ủng hộ Nhật can thiệp giảm giá đồng nội tệ. 

Chuyên gia kinh tế cao cấp tại ngân hàng ANZ, ông Tom Kenny, khẳng định Nhật sẽ gặp khó nếu muốn can thiệp giảm giá đồng yên khi Mỹ và các nước đồng mình không ủng hộ. Ngân hàng ANZ nối tiếng với rất nhiều dự báo chính xác về đồng yên. 

Hiện tại, các yếu tố hỗ trợ cho việc đồng yên giảm giá không nhiều. Giá dầu giảm sâu sau sụ sụp đổ của cuộc đàm phán tại Doha cũng khiến nhà đầu tư mua đồng yên nhiều hơn. 

Khi mua mạnh đồng yên, nhà đầu tư đồng loạt bán ra nhiều loại tiền tệ khác, trong đó có đồng ringgit của Malaysia. Giá dầu giảm mạnh, lợi nhuận thu được từ bán dầu của chính phủ Malaysia vì đó giảm sâu. 

Đồng đôla Singapore cũng giảm giá mạnh sau khi Ngân hàng Trung ương Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ trong ngày thứ Năm. Chốt phiên hôm qua, đồng đôla Singapore giao dịch với đồng USD ở mức 1,3583 đôla Singapore/USD. 

Trong khi đó, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng nhẹ so với đồng USD và giao dịch ở mức 6,4805 nhân dân tệ/USD. Mức chốt phiên của ngày thứ Sáu tuần trước là 6,4816 nhân dân tệ/USD. 

Tuy nhiên, theo một bài báo khác trên Bloomberg, các quỹ đầu tư lớn tại châu Á đang khuyên khách hàng mua mạnh đồng USD. 

Cụ thể, theo Credit Suise, đồng USD sẽ tăng giá mạnh so với đồng won Hàn Quốc, đồng đôla Đài Loan, đồng bath Thái và đồng peso của Philippines, chính vì thế nhà đầu tư nên mua mạnh đồng USD ở thời điểm hiện tại. UBS AG trong khi đó cho rằng đồng USD sẽ lên giá so với đồng đôla Singapore và đồng yên. 

Chuyên đề