Ảnh minh họa: Internet |
Trước đó, tại Thông báo số 478/TB-KTNN về kết quả kiểm toán ngân sách địa phương năm 2018 của tỉnh Đồng Tháp, Kiểm toán Nhà nước khu vực IX kiến nghị chấm dứt việc hỗ trợ lãi tiền vay cho các cơ sở thực hiện xã hội hoá theo Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND ngày 6/1/2016 và Quyết định số 40/2017/QĐ-UBND ngày 7/9/2017 của UBND Tỉnh.
Tuy nhiên, theo địa phương này, việc hỗ trợ lãi tiền vay cho các cơ sở thực hiện xã hội hoá là phù hợp với quy định tại Khoản 5 Điều 18 Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ. Về tổng thể, chính sách ưu đãi nêu trên đã mang lại những kết quả tích cực trong việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư từ tư nhân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi công tác khuyến khích phát triển các dự án xã hội hoá và giảm bớt phần nào gánh nặng đầu tư công. Qua thời gian triển khai thực hiện các chính sách xã hội hóa, Tỉnh đã thu hút nhiều dự án xã hội hóa đầu tư vào các lĩnh vực như: giáo dục, y tế, môi trường trên địa bàn, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tính đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã thu hút được 15 dự án xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường, với tổng vốn đầu tư là 1.987 tỷ đồng (trong đó có 7 dự án giáo dục với vốn đầu tư 430,4 tỷ đồng, 5 dự án y tế với vốn đầu tư 1.152 tỷ đồng và 3 dự án môi trường với vốn đầu tư 404 tỷ đồng).
Đối với các dự án xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, tỷ lệ huy động học sinh trung bình của các trường mầm non là trên 70% công suất thiết kế, dự kiến sẽ đạt tỷ lệ huy động ổn định trong thời gian tới. Còn đối với các dự án xã hội hóa lĩnh vực y tế, công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện đạt khoảng 86%, số lượt khám ngoại trú ước đạt 650 lượt bệnh nhân/ngày và số thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu đạt 21.300 thẻ.
Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư công bố trí cho các lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường… hàng năm của Tỉnh còn thấp so với nhu cầu thực tế tại địa phương. Ngân sách Tỉnh không có khả năng cân đối nguồn vốn để trực tiếp đầu tư vào các dự án nêu trên vì nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn so với khả năng ngân sách tỉnh. Do đó, việc địa phương ban hành chính sách khuyến khích xã hội hóa nhằm mục đích sử dụng một phần ngân sách địa phương để kích thích, thu hút các nguồn lực của xã hội tham gia vào các lĩnh vực theo định hướng của Tỉnh.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, việc hỗ trợ chênh lệch lãi suất vay vốn tín dụng cho nhà đầu tư thực hiện các dự án xã hội hóa nhằm kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào các dự án mang tính cấp thiết trên địa bàn Tỉnh. Thực tế cho thấy, số kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ chênh lệch lãi suất cho nhà đầu tư chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng vốn đầu tư cả dự án (dưới 10% trên tổng vốn đầu tư của các dự án), nhưng mang lại nhiều lợi ích cho sự nghiệp giáo dục, y tế, môi trường của địa phương, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân.