Trên công trường Dự án Kè Hổ Cứ tại xã Hòa An, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Ngọc Tuấn |
Ghi nhận tại công trường Dự án Kè Hổ Cứ thuộc địa phận xã Hòa An, TP. Cao Lãnh, các nhà thầu đang huy động lượng lớn thiết bị xây dựng và nhân lực tận dụng thời tiết thuận lợi mùa khô đúc cọc bê tông, đóng cọc, thả đá hộc và thi công thân kè…
Tại Gói thầu số 7 Kè tường bê tông cốt thép bảo vệ bờ đoạn 2 có giá trị hơn 120,26 tỷ đồng, Công ty CP Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương đang đổ cọc bê tông cốt thép, dựng khung thép tiền chế để chuẩn bị công tác đóng cọc, thi công chân kè. Đá hộc cũng được nhà thầu này tập kết để chuẩn bị cho công tác thả rọ đá chân kè. Đại diện Nhà thầu cho biết, Gói thầu đã thực hiện đạt 22% giá trị hợp đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Tạo, cán bộ giám sát Dự án Kè Hổ Cứ, Dự án có tổng mức đầu tư 287,404 tỷ đồng, quy mô đầu tư 2,7 km. Vốn kế hoạch năm 2023 bố trí cho Dự án 134,3 tỷ đồng. Hiện cả 3 gói thầu xây lắp đều có tiến độ xây dựng nhanh và kết quả rất khả quan. Ngoài Gói thầu số 7 kể trên, Gói thầu số 6 (68 tỷ đồng, Công ty CP Nhân Bình thi công) đã đạt 25% và Gói thầu số 8 (47,117 tỷ đồng, Công ty CP Bảo Chung thi công) đạt 35% giá trị hợp đồng. Tiến độ xây dựng nhanh góp phần nâng tỷ lệ giải ngân Dự án Kè Hổ Cứ lên 46,81% kế hoạch với giá trị giải ngân hơn 62,869 tỷ đồng.
Ngoài 5 dự án đang thực hiện, Ban Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp chuẩn bị đầu tư Dự án Xử lý sạt lở cấp bách bờ sông Tiền khu vực xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh (giai đoạn 2).
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (Ban Nông nghiệp) tỉnh Đồng Tháp (Chủ đầu tư) cho biết: Với tính chất cấp bách của các dự án kè chống sạt lở, tỉnh Đồng Tháp ưu tiên bố trí vốn và chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu tập trung thi công để hoàn thành các dự án đúng tiến độ, bảo đảm hiệu quả đầu tư, góp phần ứng phó với diễn biến sạt lở ngày càng khó lường tại Đồng bằng sông Cửu Long. Tới thời điểm hiện tại, các dự án đều có tiến độ xây dựng đúng theo kế hoạch.
Theo đó, Dự án Xử lý cấp bách sạt lở sông Tiền khu vực xã Tân Mỹ, Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò (tổng mức đầu tư 399,077 tỷ đồng, kế hoạch vốn 388,7 tỷ đồng) đã giải ngân 249,163 tỷ đồng, tương ứng 86,31% kế hoạch. Dự án có 2 gói thầu xây lắp, đến nay Gói thầu số 8 đã thực hiện được 70% giá trị hợp đồng, Gói thầu số 9 đã thực hiện được 76% giá trị hợp đồng.
Đối với Dự án Kè chống sạt lở và trồng cây bảo vệ đường tuần tra biên giới (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư hơn 84,9 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm 2023 đạt 54,88%, lũy kế khối lượng thực hiện đạt khoảng 92% giá trị hợp đồng.
Tại Dự án Kè bờ từ đoạn kè Bình Thành đến vàm Phong Mỹ (tổng mức đầu tư 112,849 tỷ đồng), lũy kế thực hiện đạt 53% khối lượng hợp đồng.
Với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, Dự án Phòng chống sạt lở bờ sông để bảo vệ dân cư tại các khu vực xung yếu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (khu vực các xã Long Thuận, Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự) đã nghiệm thu hoàn thành giai đoạn 1, khối lượng thi công giai đoạn 2 đạt trên 65% giá trị hợp đồng.
Ông Nguyễn Văn Nhiều, Giám đốc Ban Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp cho biết: Tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2023 được phân bổ cho Ban là 699 tỷ đồng (đến ngày 15/5/2023). Trong đó, vốn đầu tư công do tỉnh Đồng Tháp quản lý, phân bổ là 579 tỷ đồng. Ngoài 5 dự án đang thực hiện, Ban chuẩn bị đầu tư Dự án Xử lý sạt lở cấp bách bờ sông Tiền khu vực xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh (giai đoạn 2) và đã thực hiện xong bước thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Đến giữa tháng 5/2023, giá trị giải ngân đầu tư công vốn ngân sách Tỉnh đạt 336,181 tỷ đồng, bằng 58% kế hoạch.
“Việc thực hiện các dự án kè chống sạt lở tại Đồng Tháp cơ bản thuận lợi, đạt tiến độ xây dựng khả quan do được bố trí vốn sớm và không gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Chỉ có một khó khăn là thiếu nguồn cát, trong khi tổng nhu cầu cát cho các dự án kè chống sạt lở trong năm 2023 là gần 200 nghìn m3”, ông Nhiều nói. Mặc dù vậy, Ban Nông nghiệp Đồng Tháp đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm, sớm hoàn thành, đưa các công trình kè chống sạt lở vào khai thác nhằm ứng phó với diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu gây ra.