Đồng Tháp BMC hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Được thành lập từ năm 1992, đến nay, Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp (Đồng Tháp BMC) đã trở thành doanh nghiệp (DN) đầu tư đa ngành nghề, trong đó phát triển hạ tầng khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) là một lĩnh vực mũi nhọn.
KCN Tân Kiều đã thi công san lấp mặt bằng đạt trên 30% tổng khối lượng
KCN Tân Kiều đã thi công san lấp mặt bằng đạt trên 30% tổng khối lượng

Đồng Tháp BMC có 2 KCN là Trần Quốc Toản, Tân Kiều và 2 CCN là Tân Lập, Trường Xuân đều nằm tại tỉnh Đồng Tháp. Hiện nay, trừ KCN Trần Quốc Toản đã được lấp đầy, tất cả các KCN, CCN còn lại đang trải thảm đỏ để thu hút nhà đầu tư.

KCN Tân Kiều có tổng diện tích quy hoạch hơn 148 ha, là một trong những KCN có quy mô lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thế mạnh vượt trội của KCN Tân Kiều là có hệ thống giao thông đường bộ lẫn đường thủy rất thuận lợi. Về đường bộ, KCN Tân Kiều kết nối trực tiếp với Quốc lộ N2, từ đây về hướng Đông Bắc sẽ gặp đường Hồ Chí Minh để đến Long An và các tỉnh, thành khác trong cả nước. Phía Nam KCN tiếp giáp Đường tỉnh 846, từ đây về hướng Đông sẽ đến Cai Lậy (Tiền Giang) và hướng Tây đến huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Riêng về giao thông thủy, phía Nam KCN Tân Kiều là kênh Nguyễn Văn Tiếp rộng trung bình 50m, thuận lợi cho vận chuyển nguyên liệu - vật tư cũng như hàng hóa bằng đường thủy. Xung quanh khu vực Dự án còn có nhiều tuyến kênh, rạch như kênh Nhất, kênh Nhì, kênh Cô Hai, Kênh 5000, Kênh 9000, kênh Tư Mới, kênh Ranh, kênh Giữa, kênh Bảy Thước, kênh Cả Bắc… tạo nên hệ thống thủy văn khép kín.

Ngành nghề thu hút đầu tư vào KCN gồm: công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp; phân bón thực vật; công nghiệp thực phẩm; chế biến nông, thủy sản; may mặc; điện tử...

Ông Nguyễn Hữu Phước, Tổng giám đốc Đồng Tháp BMC cho biết, các dự án sử dụng công nghệ cao, thiết bị hiện đại, sử dụng nhiều lao động được ưu tiên đầu tư tại KCN Tân Kiều. Hiện khối lượng thi công san lấp mặt bằng đạt trên 30% tổng khối lượng. Dự kiến quý II/2021 có thể tiếp nhận và bàn giao mặt bằng một phần cho DN đầu tư.

2 CCN của Đồng Tháp BMC đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng chào đón nhà đầu tư. CCN Tân Lập được thành lập năm 2016, có quy mô gần 50 ha, tọa lạc ở xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành. Nhờ có vị trí đắc địa, nằm cách TP. Sa Đéc 8 km, cách TP. Cần Thơ 60 km, cách TP. Vĩnh Long 20 km, cách TP.HCM 150 km nên CCN này có lợi thế cạnh tranh rất tốt. Hiện diện tích đất công nghiệp đã cho thuê lại đạt 17,6 ha, tương đương 47,9% tổng diện tích đất công nghiệp.

Lãnh đạo Đồng Tháp BMC cho biết, khi đầu tư vào CCN này, nhà đầu tư được ưu đãi thuế thu nhập DN là 17% trong thời hạn 10 năm áp dụng đối với thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo.

Riêng CCN thương mại dịch vụ Trường Xuân tọa lạc tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, có quy mô 36 ha, cách thị trấn Mỹ An 16 km, cách Hồng Ngự 54 km, cách Vàm Cỏ Tây 45 km và cách TP.HCM 89 km. Đây được mệnh danh là trung tâm của vùng sản xuất lúa gạo Đồng Tháp Mười. Về đường bộ, là nơi gặp nhau giữa Đường tỉnh 844 và Đường tỉnh 845, nối liền Đường tỉnh 837 Long An và cách đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ N2 khoảng 16 km. Về đường thủy, nằm giữa 2 tuyến kênh quốc gia là kênh Tháp Mười số 1 (kênh Đồng Tiến - Lagrange), gần tuyến kênh 4 bis và kênh Phước Xuyên nên rất thuận lợi cho giao thương.

Định hướng thu hút đầu tư của CCN Trường Xuân là hình thành CCN đa ngành, trọng tâm là công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng, công nghiệp hóa chất, điện tử, sản xuất máy nông nghiệp, cơ khí phụ trợ và thương mại dịch vụ…

Chuyên đề