Một trong các phương án thiết kế của sân bay quốc tế Long Thành. |
Ý tưởng trên được đưa ra ngay sau khi đoàn công tác của Hàn Quốc gồm các nhà quản lý sân bay quốc tế Incheon và các giáo sư của Trường đại học Inha đã đến Đồng Nai hồi đầu năm 2017 để chia sẻ thông tin về chủ đề như đã nói ở trên.
Trong cuộc gặp gỡ đó, các chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực hàng không ở Hàn Quốc cho rằng, cách tốt nhất để khai thác và tối ưu hóa hiệu quả sân bay quốc tế Long Thành là phải phát triển thật tốt và triệt để các vùng phụ cận.
Trong đó, việc kết nối giao thông với TP.HCM cũng như các đô thị xung quanh, nhất là các khu công nghiệp phải thuận lợi, dễ dàng để phục vụ cho nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa.
Đặc biệt, việc phát triển dịch vụ xung quanh sân bay quốc tế Long Thành là rất quan trọng. Nếu làm tốt điều này, đây chính là bàn đạp để Đồng Nai bứt phá về sau.
Với những kinh nghiệm thực tiễn đúc rút được trong quá trình xây dựng sân bay quốc tế Incheon, GS.Ha Hun Koo cho biết, Trường đại học Inha sẵn sàng hỗ trợ Đồng Nai trong khâu lập quy hoạch, xây dựng vùng phụ cận để biến sân bay quốc tế Long Thành trở thành một điểm đến lý tưởng của du khách quốc tế.
Được biết, ngoài 5.000 ha đất quy hoạch để xây dựng sân bay quốc tế Long Thành ra, hiện tỉnh Đồng Nai cũng đã quy hoạch 21.000 ha đất xung quanh sân bay để xây dựng các khu dịch vụ.
Giai đoạn 1 của sân bay quốc tế Long Thành dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trước năm 2025 với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Điều này chắc chắn sẽ tạo nên một bước ngoặc lớn cho Đồng Nai nói riêng và ngành hàng không Việt Nam nói chung.