Ảnh minh họa. Nguồn internet |
Lý do được ông Trịnh Tuấn Liêm chỉ ra là vì thời gian qua có rất ít chủ đầu tư muốn tham gia vào những dự án này. Minh chứng là, hiện tại trong danh mục kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT các tuyến đường tỉnh còn có thêm 6 dự án khác nhưng chỉ có tuyến đường Long Thành - Cẩm Mỹ - Xuân Lộc (Hương lộ 10) đang được một chủ đầu tư nghiên cứu, 5 dự án còn lại vẫn đang trong quá trình chờ đợi nhà đầu tư.
Nguyên nhân của việc khó gọi vốn BOT giao thông là bởi hiện nay các nhà đầu tư đều rất thận trọng tính toán kỹ khả năng đảm bảo lưu lượng xe và khả năng tăng trưởng sau khi dự án đi vào hoạt động để thu hồi vốn. Song song đó, công tác tái định cư, giải phóng mặt bằng sạch để nhà đầu tư triển khai xây lắp còn kéo dài, dẫn đến đội vốn và phá vỡ bài toán tài chính nên nhiều nhà đầu tư e ngại. Ngoài ra, nhà đầu tư hiện cũng lo ngại trước việc vận hành, khai thác các trạm thu phí BOT còn gặp nhiều phản ứng từ chủ phương tiện và người dân khi lưu thông qua các trạm.
Được biết, hiện Đồng Nai có 4 dự án BOT thuộc thẩm quyền tỉnh cấp phép đang được triển khai và hoạt động. Trong đó, dự án BOT đường 760, tức Tỉnh lộ 16 cũ, nối thành phố Biên Hòa với Bình Dương đã đưa vào sử dụng từ năm 2005; dự án BOT đường 768 nối thành phố Biên Hòa với huyện Vĩnh Cửu vừa xây dựng vừa thu phí từ năm 2010. Hai dự án hiện đang triển khai là đường chuyên dùng vật liệu xây dựng Tân Cang, xã Phước Tân, thành phố Biên Hòa và đường 319 nối dài ở huyện Nhơn Trạch. Ngoài các dự án do tỉnh cấp phép, trên địa bàn còn có các dự án BOT lớn do Bộ Giao thông Vận tải cấp phép là đường tránh Biên Hoà, Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K, Quốc lộ 51, Quốc lộ 20 và dự án cầu Đồng Nai mới.
Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho rằng, các dự án BOT đã giúp giảm áp lực đầu tư công cho nguồn vốn ngân sách và khuyến khích được các nhà đầu tư chung tay cùng với nhà nước trong việc xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên, việc kêu gọi BOT các dự án giao thông ở những tuyến đường liên tỉnh, liên huyện gặp rất nhiều khó khăn đã làm ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển chung của tỉnh.
Theo bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, khi triển khai bất cứ một dự án BOT nào Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cũng như các chủ đầu tư cần phải đảm bảo hài hoà lợi ích giữa 3 bên là nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, vị trí đặt trạm thu phí, thời gian thu phí cũng như mức thu cần tính toán hợp lý, tránh để phát sinh khiếu nại của người dân.