Đồng hành cùng DN nhỏ và vừa tiến vào sân chơi EVFTA

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được đánh giá sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam, trong đó có DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa cơ hội kinh doanh từ FTA thế hệ mới này đối với các DN nhỏ và vừa không dễ dàng.
Hạn chế về nguồn vốn và khả năng tiếp cận tín dụng vẫn là một trong những thách thức lớn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Phú An
Hạn chế về nguồn vốn và khả năng tiếp cận tín dụng vẫn là một trong những thách thức lớn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Phú An

EVFTA dự kiến được Quốc hội phê chuẩn trong tháng 6 và có hiệu lực ngay trong năm 2020. Chia sẻ bên lề Hội nghị Hỗ trợ DN nhỏ và vừa tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, nếu được đưa vào thực thi, EVFTA được dự báo sẽ đem lại những tác động tích cực trên nhiều lĩnh vực đối với Việt Nam, nhưng cũng không ít thách thức đối với các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa.

Theo ông Trần Tuấn Anh, khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch XK của Việt Nam… Đây là cơ hội cho DN Việt Nam hướng tới thị phần XK cao hơn và giá trị gia tăng cao hơn ở EU.

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Công Thương nhấn mạnh, Hiệp định có hiệu lực không có nghĩa là có ngay cơ hội ở thị trường này. Thực tế, EU là thị trường rất khó tính với nhiều quy định khắt khe, đòi hỏi cao về mặt chất lượng thông qua hàng rào kỹ thuật tiêu chuẩn cao. Đây là áp lực, thách thức không nhỏ với các DN nhỏ và vừa Việt Nam, bởi trên thực tế khối DN này còn nhiều hạn chế. Trong đó, do quy mô nhỏ bé nên khó tiếp cận tín dụng, hạn chế trong quản trị DN… khiến các DN nhỏ và vừa thường lúng túng, bị động trong việc tìm hiểu và nắm bắt cơ hội.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, thách thức đầu tiên với DN nhỏ và vừa Việt Nam là các rào cản kỹ thuật; tiếp đó là sức ép cạnh tranh với hàng hóa của EU; thách thức trước các biện pháp phòng vệ thương mại; cạnh tranh nguồn lao động; thiếu thông tin; chưa được chuẩn bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ về xuất khẩu hàng hóa sang EU.

Cùng với các thách thức này, ông Thân cũng cho biết, bước vào thực thi EVFTA, DN nhỏ và vừa không khỏi lúng túng, trăn trở, vì các điều kiện theo quy định của EVFTA về công nghệ kỹ thuật, môi trường, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, tỷ lệ nội địa hóa... đều rất khắt khe, đòi hỏi DN phải đầu tư rất lớn.

Từ thực tế của các DN nhỏ và vừa hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam đề xuất 3 giải pháp hỗ trợ khối DN này tận dụng tối đa các cơ hội từ Hiệp định. Trước hết là kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách các thủ tục hành chính cũng như tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm đề xuất và trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với các quy định của EVFTA. Trên cơ sở đó, các DN có cơ sở pháp lý thực thi một cách hiệu quả hiệp định này. Thứ hai là đẩy mạnh công tác truyền thông về Hiệp định để giúp nâng cao hiểu biết cho các DN nhỏ và vừa. Thứ ba là tăng nguồn lực tài chính cho các DN nhỏ và vừa để triển khai các dự án đầu tư công nghệ.

Theo ông Thân, thời gian qua, DN nhỏ và vừa rất phấn khởi đón nhận Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Trên cơ sở các quy định của Luật, Chính phủ cần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng thương mại tăng nguồn lực tài chính hỗ trợ về tín dụng đối với DN nhằm thực hiện các dự án đầu tư công nghệ, cải thiện năng lực sản xuất kinh doanh… đáp ứng các nội dung cam kết của Hiệp định. Theo đó, các văn bản hướng dẫn cũng cần ban hành kịp thời để DN nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận nguồn lực này.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, thực thi nghiêm túc và đầy đủ quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa là vô cùng cần thiết để hỗ trợ các DN phát triển. Bên cạnh đó, ông Trần Tuấn Anh cũng lưu ý, để tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, rất cần sự chủ động từ cả hai phía. Khi Chính phủ chủ động tìm kiếm cơ hội thị trường, thì DN cần chủ động hơn nữa trong chuẩn bị nội lực với việc nâng cao hiểu biết pháp luật, kiến thức về Hiệp định cho đến những nghiên cứu sâu hơn trong chiến lược phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu…

Chuyên đề