Dòng chủ lưu giữa “biển” thông tin

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo chí có vai trò giữ vững ổn định chính trị, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ. Các tờ báo chính thống luôn chủ động thông tin về những vấn đề lớn của đất nước, thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh thông tin trên mạng xã hội ngày càng bùng nổ khó kiểm soát, trong đó có những luồng thông tin xấu độc, gây méo mó dư luận, Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ với Báo Đấu thầu.
Sự phát triển của Internet và mạng xã hội giúp người dân được tiếp cận thông tin nhiều chiều, phong phú, đa dạng, nhưng trong đó cũng có những thông tin sai sự thật. Ảnh St: Huyền Trang
Sự phát triển của Internet và mạng xã hội giúp người dân được tiếp cận thông tin nhiều chiều, phong phú, đa dạng, nhưng trong đó cũng có những thông tin sai sự thật. Ảnh St: Huyền Trang

Khẳng định vị thế của báo chí chính thống

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi nhìn nhận, chúng ta đang sống trong một “biển” thông tin. Bên cạnh mặt tích cực là người dân được tiếp cận thông tin nhiều chiều, phong phú, đa dạng, thì trong đó cũng có những luồng thông tin sai sự thật. Trước thực trạng này, báo chí có nhiệm vụ cung cấp thông tin chính thống, đáng tin cậy.

Tuy nhiên, trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên mạng xã hội, nhiều tờ báo xem đó là một nguồn tin mà không kiểm chứng, “bê nguyên” lên mặt báo, thiếu sự kiểm duyệt. Đây là hiện trạng cần phải xóa bỏ.

“Ở Việt Nam, báo chí cách mạng cần phải khẳng định vai trò của mình trong việc cung cấp thông tin cho công chúng, cần khẳng định tính Đảng, tính cách mạng, tính chính thống của báo chí chứ không thể chạy theo những thông tin hời hợt, phục vụ những sở thích, nhu cầu không chính đáng”, ông Lợi bình luận.

Theo Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, nhờ nỗ lực của báo chí và cơ quan quản lý nhà nước, công chúng cũng nhận ra rằng đã đến lúc phải quay lại với các nguồn tin chính thống, với các tờ báo nghiêm túc, đáng tin cậy. Đây là cơ hội để báo chí khẳng định lại vị thế, vai trò và uy tín của mình.

Nhà báo phải có trái tim nóng và cái đầu lạnh; cần bình tĩnh, thận trọng, không vội vàng đưa tin, viết bài khi chưa nắm chắc bản chất của sự việc. Nôn nóng trong đưa tin, nhiều khi “lợi bất cập hại” bởi thông tin không đúng bản chất sự việc có thể gây tác hại khôn lường.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Nga Huyền (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, ở thời đại 4.0, vai trò định hướng dư luận của báo chí lại càng được khẳng định. “Thông tin trên báo chí có thể không nhanh bằng mạng xã hội nhưng có sự thẩm định và có trách nhiệm hơn rất nhiều. Hơn nữa, bên cạnh phản ánh thông tin, báo chí còn phân tích, giúp độc giả có cơ sở để đưa ra quan điểm của bản thân mình trước một vấn đề, một sự kiện gây tranh cãi”, bà Huyền cho biết.

Lấy dẫn chứng cho nhận định này, bà Huyền nhắc đến giai đoạn cao điểm của đại dịch Covid-19 cũng là lúc bùng nổ thông tin sai lệch và độc hại trên mạng xã hội liên quan đến cách thức chữa bệnh, số ca nhiễm và người bệnh. “Báo chí đã thể hiện vai trò tích cực trong việc đưa ra thông tin đúng, chuẩn xác cũng như phủ nhận những thông tin sai sự thật. Khi đó, phần lớn người dân giữ thái độ bình tĩnh, chờ tin chính thức trên báo, không vội tin hay chia sẻ những thông tin lan tràn trên mạng”, TS. Nguyễn Nga Huyền cho biết.

Chìa khóa nào để định hướng đúng?

Báo chí định hướng dư luận thông qua việc phản ánh, cung cấp thông tin và các bài báo phân tích, bình luận, diễn giải vấn đề. Thực tế cho thấy cả hai khía cạnh này đều cần được coi trọng như nhau.

TS. Trần Bá Dung, nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, khó khăn lớn nhất của các nhà báo là đưa thông tin như thế nào về những vấn đề “nóng” đang gây tranh cãi trong xã hội, chưa dễ phân định đúng, sai. Báo chí định hướng dư luận xã hội trong những tình huống này như thế nào?

“Nhà báo phải có trái tim nóng và cái đầu lạnh; cần bình tĩnh, thận trọng, không vội vàng đưa tin, viết bài khi chưa nắm chắc bản chất của sự việc. Nôn nóng trong đưa tin, nhiều khi “lợi bất cập hại” bởi thông tin không đúng bản chất sự việc có thể gây tác hại khôn lường. Nhà báo cần hết sức trung thực, khách quan, không định kiến, để rộng đường dư luận xã hội”, TS. Trần Bá Dung nói.

Ông đưa ra một số ví dụ, chẳng hạn như khi giá xăng dầu trong nước điều chỉnh theo cơ chế thị trường và giá dầu thế giới, dư luận cũng có những ý kiến trái chiều, ngay lập tức, báo chí đã tìm đến các chuyên gia kinh tế để có cái nhìn khách quan, công bằng, chứ không chỉ đưa tin dựa theo ý kiến của người tiêu dùng hoặc chỉ theo giải thích của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, của cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy mới có thể thông tin cho người tiêu dùng biết được việc điều hành giá xăng dầu có bảo đảm công khai, minh bạch và nhất quán hay không, có vì lợi ích cục bộ của nhóm doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này không?

Như vậy, thông tin trung thực, khách quan và bình luận một cách thuyết phục là chìa khóa thành công cho báo chí trong định hướng thông tin.

Bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Nga Huyền cũng cho rằng báo chí cần hỏi ý kiến chuyên gia trước các sự việc gây tranh cãi, mặc dù quá trình này có thể khiến tòa soạn “chậm chân” hơn so với mạng xã hội hay các trang tin.

Liên quan đến việc đưa tin về những vấn đề nhạy cảm, Nhà báo Nguyễn Đức Lợi cho rằng, báo chí không nên lẩn tránh, ngược lại phải xung kích, tích cực làm rõ những vấn đề còn gây tranh cãi, quyết không nhường trận địa cho những thông tin không chính thống. “Nếu báo chí ngó lơ thì tất yếu công chúng sẽ tìm đến những nguồn khác để nắm bắt sự việc. Vì vậy, tôi cho rằng báo chí cần tích cực đưa tin cả các vụ việc phức tạp, nhạy cảm”, ông Lợi nói.

Cũng theo Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, các cơ quan có trách nhiệm cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí một cách nhanh chóng để phóng viên có nguồn tin chính thức, có chất liệu chính thống cho bài viết của mình, giữ vững vai trò là dòng chủ lưu giữa “biển” thông tin hiện nay.

Chuyên đề