Từ ngày 1/8/2023 đến nay, Hệ thống e-GP mới ghi nhận 27 gói thầu sử dụng nguồn vốn Ngân hàng Thế giới được phát hành hồ sơ mời thầu. Ảnh: Nhã Chi |
Trước đó, vào đầu năm 2019, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với ADB/WB xây dựng và tích hợp thành công vào Hệ thống e-GP cũ các modul để đấu thầu qua mạng gói thầu xây lắp và mua sắm hàng hóa theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước thuộc các dự án do 2 ngân hàng tài trợ. Việc triển khai đấu thầu qua mạng các gói thầu sử dụng vốn tài trợ quốc tế nêu trên đã mang lại nhiều kết quả tích cực như số lượng nhà thầu tham dự đông hơn, tỷ lệ giảm giá sâu do mức độ cạnh tranh cao...
Nhằm thống nhất quản lý hoạt động đấu thầu trên một nền tảng, phù hợp xu thế chung, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hệ thống đấu thầu qua mạng quốc gia (IDNES) - đơn vị vận hành Hệ thống e-GP cho biết, thời gian qua, Cục Quản lý đấu thầu đã phối hợp với ADB và WB cùng IDNES xây dựng, kiểm thử, hoàn thiện các tính năng trên Hệ thống e-GP mới để đáp ứng việc đăng tải thông tin và lựa chọn nhà thầu qua mạng cho các gói thầu sử dụng nguồn vốn ADB/WB. Bên cạnh các tính năng đã có, Hệ thống e-GP mới bổ sung thêm các tính năng, tiện ích để tối ưu hóa thông tin và tiếp cận thông tin về đấu thầu.
Cụ thể, bổ sung tính năng chia sẻ năng lực, kinh nghiệm thành viên liên danh giúp các nhà thầu liên danh dễ dàng, nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ năng lực thay vì phải đợi nhà thầu chính đăng tải file năng lực như trước đây. Đồng thời, Hệ thống e-GP mới cũng thực hiện số hoá webform tại một số chương, mục giúp tiết kiệm thời gian và chi phí thực hiện thủ công bên ngoài Hệ thống.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia cho biết, Hệ thống e-GP mới đã xây dựng, chỉnh sửa, cập nhật lại toàn bộ biểu mẫu mới kế thừa quy định tại Luật Đấu thầu, đồng thời phù hợp với quy định pháp lý của nhà tài trợ WB/ADB. Theo đánh giá, xét về khía cạnh kỹ thuật, Hệ thống e-GP mới được vận hành, thực hiện chặt chẽ hơn do nhiều khâu đã tự động hóa, tăng cường bảo mật, an toàn thông tin qua việc mã hóa chứng thư số công cộng. Ngoài ra, Hệ thống e-GP mới còn tăng tính pháp lý do hồ sơ năng lực của các nhà thầu đều được chứng thực bởi chứng thư số...
Với việc áp dụng quy trình đấu thầu qua mạng các gói thầu sử dụng nguồn vốn ADB/WB, Hệ thống e-GP mới đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn tất chuyển đổi các quy trình đấu thầu qua mạng từ Hệ thống e-GP cũ sang Hệ thống e-GP mới, giúp thống nhất việc quản lý đấu thầu trên một nền tảng duy nhất.
Cập nhật từ ngày 11/7 đến nay, riêng đối với nguồn vốn ADB, Hệ thống e-GP ghi nhận đăng tải thành công hồ sơ mời thầu (HSMT) 2 gói thầu, trong đó có Gói thầu BD-CW03 Nâng cấp tuyến đường từ thôn Hiệp Hưng, xã Canh Hiệp đến làng Canh Tiến, xã Canh Liên, huyện Vân Canh thuộc Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM) - Dự án thành phần tỉnh Bình Định. Gói thầu có giá dự toán 178,626 tỷ đồng, trên tổng mức đầu tư quy đổi của Dự án là 909,049 tỷ đồng, được Chủ đầu tư - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định phát hành HSMT từ ngày 22/7 - 22/8/2023. Biên bản mở thầu ghi nhận sự tham dự của 2 nhà thầu, gồm: Công ty CP Xây dựng công trình 568 (giá dự thầu 158,229 tỷ đồng) và Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Thủy Dương - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 703 - Công ty TNHH Thịnh Tiến (giá dự thầu 176,833 tỷ đồng).
Đối với nguồn vốn WB, từ ngày 1/8/2023 đến nay, Hệ thống e-GP ghi nhận 27 gói thầu được phát hành HSMT. Có thể kể đến Gói thầu XL07-TDA10 thuộc Tiểu dự án 10 Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng sinh thái, nâng cao sinh kế, thích ứng biến đổi khí hậu ở huyện Hòa Bình, Đông Hải và TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu (giá dự toán 157,094 tỷ đồng); 6 gói thầu (số hiệu từ 9 đến 14) cùng thuộc Dự án Phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở - Dự án thành phần tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn II (tổng mức đầu tư 93 tỷ đồng); 7 gói thầu xây lắp thuộc Dự án Phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở - Dự án thành phần tỉnh Hà Giang - Hợp phần 1 Đầu tư tăng cường cơ sở vật chất cho mạng lưới y tế cơ sở (tổng mức đầu tư 230 tỷ đồng)... Trong đó, Gói thầu Nâng cấp tuyến đường xã Quảng Minh, huyện Hải Hà thuộc Dự án Hiện đại hoá ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR) tỉnh Quảng Ninh phải hủy thầu vào ngày 18/8 theo ý kiến của WB, do bên mời thầu chưa tuân thủ quy trình đăng tải thông tin trên Hệ thống e-GP mới.
Đánh giá về một số tính năng trên Hệ thống e-GP mới, đại diện Công ty TNHH Xây dựng Thủy Dương - thành viên đứng đầu Liên danh tham dự Gói thầu BD-CW03 cho biết, dựa vào kinh nghiệm từng tham dự và trúng các gói thầu sử dụng vốn ADB, trước đây, nếu dự thầu theo liên danh, thành viên đứng đầu liên danh có trách nhiệm tổng hợp năng lực, kinh nghiệm của từng thành viên, sau đó đăng tải thông tin dự thầu của liên danh lên Hệ thống bằng file pdf, thủ tục này khá phức tạp, thủ công và mất thời gian, đôi khi phát sinh rủi ro về tính chính xác của thông tin. Với Hệ thống e-GP mới, tính năng chia sẻ năng lực thành viên liên danh cho phép các thành viên ký thỏa thuận liên danh và xác nhận đồng ý liên danh trực tiếp trên Hệ thống, đồng thời, năng lực, kinh nghiệm của thành viên liên danh cũng sẽ được xác thực bằng chứng thư số. Thành viên đứng đầu liên danh chỉ chịu trách nhiệm ký số hồ sơ dự thầu (HSDT), ký số văn bản làm rõ, văn bản kiến nghị liên quan trong quá trình đấu thầu..., từ đó rút ngắn được thời gian lập HSDT.
Với việc áp dụng quy trình đấu thầu qua mạng các gói thầu sử dụng nguồn vốn ADB/WB, Hệ thống e-GP mới đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn tất chuyển đổi các quy trình đấu thầu qua mạng từ Hệ thống e-GP cũ sang Hệ thống e-GP mới, giúp thống nhất việc quản lý đấu thầu trên một nền tảng duy nhất, tăng tính cạnh tranh, hiệu quả trong việc lựa chọn nhà thầu.