Đồng bộ gỡ khó, khơi dậy tinh thần kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo cáo về tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 vừa được Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật cho thấy, tinh thần khởi sự kinh doanh đang được khơi dậy mạnh mẽ. Số DN thành lập trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 đạt cao nhất từ trước tới nay.
Ngày 1/4, Thủ tướng ban hành Công điện tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, VLXD để triển khai thực hiện các dự án ĐTXD đường bộ cao tốc và bất động sản. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ngày 1/4, Thủ tướng ban hành Công điện tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, VLXD để triển khai thực hiện các dự án ĐTXD đường bộ cao tốc và bất động sản. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trước những khó khăn, thách thức “bủa vây” DN, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tính riêng trong tháng 4, Chính phủ, Thủ tướng và các bộ ngành đã có hàng loạt động thái mạnh mẽ, quyết liệt trong việc vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho DN. Ngày 1/4, Thủ tướng ban hành Công điện tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và bất động sản. Tiếp đó, ngày 5/4, Thủ tướng ký Công điện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Ngày 14/4, Chính phủ ban hành Nghị định gia thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Ngân hàng Nhà nước giảm thêm lãi suất... Với hàng loạt động thái chính sách, tinh thần khởi sự kinh doanh của người dân, DN tiếp tục được khơi dậy mạnh mẽ.

Minh chứng rõ nét nhất cho nhận định này là cả nước có 15.967 DN đăng ký thành lập mới cùng số vốn đăng ký là 154.639 tỷ đồng trong tháng 4, tăng 6,4% về số DN so với cùng kỳ năm 2022. Đây là tháng có số DN thành lập mới cao nhất từ trước tới nay. Số vốn đăng ký mới giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước, song đây cũng là mức cao nhất kể từ thời điểm tháng 5/2022.

Tính chung, 4 tháng đầu năm, cả nước có gần 50.000 DN mới, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là số DN thành lập mới trong 4 tháng đầu năm cao nhất từ trước đến nay, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018 - 2022 (43.191 DN). Cộng với số DN quay trở lại hoạt động, 4 tháng đầu năm có 78.871 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường.

“Những tín hiệu này phần nào cho thấy nỗ lực vươn lên của cộng đồng DN trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận xét.

Tuy vậy, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, các DN vẫn đang rất khó khăn. Theo đó, một trong những khó khăn lớn đối với DN là việc tiếp cận nguồn vốn kinh doanh. Số vốn đăng ký bình quân trên 1 DN trong 4 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 9,3 tỷ đồng - mức thấp nhất trong cùng kỳ kể từ năm 2018. Số vốn đăng ký tăng thêm của DN đang hoạt động cũng giảm tới 55,1% so với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ giảm sâu nhất kể từ trước đến nay.

Tổng số vốn đăng ký của DN thành lập mới chỉ đạt mức 464.970 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ trong các năm nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 (năm 2021 là 627.721 tỷ đồng và năm 2022 là 635.282 tỷ đồng).

Từ thực tế hoạt động của mình, ông Vũ Đình Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí chính xác Thăng Long chia sẻ, đầu tháng 3/2023, DN đã quay trở lại hoạt động sau một thời gian phải tạm đóng cửa do khó khăn về nguồn vốn. Tuy nhiên, hoạt động của DN hiện nay vẫn chỉ mang tính chất cầm chừng do khó khăn về dòng tiền chưa được tháo gỡ. Việc tiếp cận nguồn vốn vẫn rất khó.

Hàng loạt DN vẫn ở trong tình thế khó khăn chung do tồn kho tăng trong khi sức mua yếu, đơn hàng khan hiếm. Trong nhiều kiến nghị lên Chính phủ, DN đều mong muốn các ngân hàng thương mại giữ nguyên nhóm nợ, linh hoạt điều kiện tài sản bảo đảm, điều kiện cho vay để có thể tiếp cận được tín dụng, bổ sung vốn lưu động và vượt qua giai đoạn khó khăn.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 23/4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Ngày 25/4, Thường trực Chính phủ đã có cuộc làm việc với các bộ, ngành về việc khơi thông thị trường bất động sản, nhằm tạo tác động lan tỏa tới các ngành nghề kinh doanh khác. Trước đó, ngày 24/4, Thủ tướng đã ký quyết định phân công thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn. Bộ Công Thương cũng rốt ráo tháo gỡ khăn trong kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu...

Hy vọng rằng, với những biện pháp này sẽ góp phần giúp DN bớt khó khăn, sớm phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, từ đó khích lệ mạnh mẽ tinh thần khởi sự kinh doanh của người dân.

Chuyên đề