Năm 2022, Bộ Giao thông vận tải sẽ ưu tiên bố trí vốn, chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh tiến độ thi công Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Ảnh: Nhã Chi |
Theo ông Bùi Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư thuộc Bộ GTVT, năm 2021, Bộ được giao kế hoạch vốn đầu tư với con số kỷ lục (khoảng 43.401 tỷ đồng). Bộ GTVT đã triển khai hàng loạt giải pháp thúc đẩy tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Trong các quyết định giao vốn, Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng công trình, chất lượng giải ngân. Đến hết tháng 9/2021 đã giải ngân đạt 61,2% kế hoạch, cao hơn tỷ lệ trung bình của các bộ ngành và cả nước. Dự kiến, đến hết tháng 1/2022 sẽ giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao năm 2021. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, Bộ GTVT được phân bổ 304.104 tỷ đồng. Bộ sẽ dành nguồn lực này để thực hiện các dự án chuyển tiếp, thanh toán nợ đọng thuộc nghĩa vụ ngân sách nhà nước và khởi công mới nhiều dự án giao thông quan trọng. Việc tập trung bố trí vốn cho các dự án giao thông động lực sẽ có tác động kích cầu phát triển, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng và góp phần phục hồi nhanh các ngành kinh tế.
Về phía các địa phương, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, thời gian tới Hà Nội sẽ tập trung và ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm và khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô. Cụ thể, Hà Nội sẽ ưu tiên đầu tư các tuyến đường, công trình giao thông khung kết nối khu vực đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh, gồm: Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên và kết nối Thủ đô với các tỉnh, địa phương thuộc vùng Thủ đô thông qua các tuyến đường hướng tâm như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 3, Quốc lộ 6, Quốc lộ 21 và Quốc lộ 21B. Các trục giao thông như Tây Thăng Long, Ngọc Hồi - Phú Xuyên, đường trục phía Nam, các đường Vành đai 3.5, đường Vành đai 4 và Vành đai 5, hệ thống cầu vượt sông, gồm: cầu Hồng Hà, cầu Tứ Liên, cầu Mễ Sở cũng sẽ được đầu tư vào thời gian tới... Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ dồn nguồn lực để phát triển hạ tầng đường sắt đô thị, tiếp tục hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3 (đoạn Nhổn - ga Hà Nội). Năm 2022, Hà Nội sẽ phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công thêm 3 tuyến đường sắt đô thị giai đoạn 2021 - 2025 gồm: tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc; tuyến số 3 đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai; tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi.
Bộ GTVT sẽ bố trí đủ vốn để hoàn thành dứt điểm 25 dự án giao thông trong năm 2022 (gồm 2 dự án khẩn cấp chuyên ngành hàng không, 2 dự án cấp bách chuyên ngành đường sắt và 21 dự án quốc lộ).
Còn theo Lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng, năm 2022, Thành phố sẽ tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, trọng điểm và có tính kết nối, lan tỏa như: Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14B (đoạn còn lại), triển khai các dự án trong Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng...
Ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ cho biết, năm 2022, TP. Cần Thơ sẽ phối hợp với Bộ GTVT đề xuất Trung ương ưu tiên bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để sớm thi công các dự án giao thông kết nối vùng qua địa bàn Thành phố như: các tuyến cao tốc (Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi); sớm khởi công xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu giai đoạn 2; nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2; phát triển các hành lang vận tải đường thủy và logistics khu vực phía Nam... Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP. Cần Thơ năm 2022 là ưu tiên đầu tư Dự án Đường Vành đai phía Tây TP. Cần Thơ nối Quốc lộ 91 đến Quốc lộ 61C; tuyến đường nối huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang; các đường tỉnh: 917, 918, 921, 923...
Còn ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, năm 2022, Thành phố này sẽ tập trung chỉ đạo các sở, ngành hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng: Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Bên cạnh đó, Sở GTVT Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến đường sắt đô thị số 1 và khởi công tuyến đường sắt đô thị số 2 trong năm 2022. Đồng thời sẽ tập trung, phấn đấu khởi công một số công trình trọng điểm như đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, Quốc lộ 50, nút giao thông An Phú...
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, năm 2022, Bộ sẽ đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục phê duyệt các dự án khởi công mới trong kỳ trung hạn 2021 -2025 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Đẩy mạnh triển khai thủ tục thiết kế, dự toán, đấu thầu để phấn đấu sớm khởi công các dự án quy mô nhóm B, C ngay trong năm 2022; rút ngắn thời gian thực hiện dự án để vừa sớm phát huy hiệu quả đầu tư, vừa giảm sức ép về cân đối nguồn vốn cho kế hoạch các năm cuối kỳ trung hạn khi triển khai đồng loạt nhiều dự án đường bộ cao tốc lớn. Bộ GTVT sẽ ưu tiên bố trí vốn, chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh tiến độ thi công dự án quan trọng quốc gia đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, các dự án quan trọng, động lực. Bộ sẽ bố trí đủ vốn để hoàn thành dứt điểm 25 dự án giao thông trong năm 2022 (gồm 2 dự án khẩn cấp chuyên ngành hàng không, 2 dự án cấp bách chuyên ngành đường sắt và 21 dự án quốc lộ). Cùng với đó, tập trung giao kế hoạch năm cho các dự án ngay sau khi hoàn thành thủ tục đầu tư; xây dựng và theo dõi chặt chẽ kế hoạch thực hiện, giải ngân hàng tháng của từng dự án trong năm 2022...