Đơn giản hóa thủ tục trong giám sát, đánh giá đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang dự thảo Nghị định của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư (thay thế Nghị định số 84/2015/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 01/2020/NĐ-CP). Để cắt giảm thủ tục hành chính và phù hợp hơn với thực tế triển khai, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi quy định về chi phí và chế độ báo cáo, giám sát đánh giá đầu tư. Dự thảo cũng bổ sung một số nội dung về dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, Trưởng Ban soạn thảo xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về giám sát và đánh giá đầu tư cho biết, nghị định này được xây dựng theo quy định tại Khoản 6 Điều 70 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14. Trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định, Ban soạn thảo đã rà soát, sửa đổi một số nội dung để phù hợp với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

Trên cơ sở các ý kiến của các bộ, ngành và các địa phương, Ban soạn thảo cũng đã bổ sung một số điều, khoản trong Dự thảo Nghị định quy định về giám sát và đánh giá đầu tư để phù hợp hơn với tình hình thực tế triển khai và cắt giảm thủ tục hành chính.

Ông Tăng Ngọc Tráng, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư thuộc Bộ KH&ĐT, Tổ trưởng Tổ biên tập cho biết, một trong những điểm mới của Dự thảo Nghị định là sửa đổi quy định về chi phí giám sát, đánh giá đầu tư. Qua rà soát, có nhiều ý kiến cho rằng quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 52 Nghị định số 84/2015/NĐ-CP về chi phí giám sát, đánh giá đầu tư là chưa rõ ràng và hợp lý. Cụ thể, chi phí cho công tác giám sát, đánh giá đầu tư do chủ chương trình, chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án tự thực hiện hoặc thuê tư vấn thực hiện bằng 20% chi phí quản lý chương trình, dự án và được tính trong tổng mức đầu tư chương trình, dự án.

Theo đó, Dự thảo Nghị định đã tách riêng chi phí giám sát và đánh giá đầu tư theo hướng chi phí cho công tác giám sát đầu tư do chủ chương trình, chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan ký hợp đồng dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư tự thực hiện bằng 10% chi phí quản lý chương trình, dự án. Chi phí cho công tác đánh giá đầu tư được tính bằng phần trăm chi phí quản lý chương trình, dự án theo quy định hiện hành như chi phí đánh giá ban đầu 2%, chi phí đánh giá giữa kỳ hoặc giai đoạn 2%, chi phí đánh giá kết thúc 3%, chi phí đánh giá tác động 5%... Quy định mới này sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị huy động các nguồn lực thực hiện đánh giá đầu tư toàn diện hơn.

Một nội dung của Dự thảo Nghị định nhận được sự quan tâm và đồng tình của nhiều đại biểu là việc giảm bớt hoạt động, nội dung, số lượng báo cáo giám sát và đánh giá đối với 1 số chủ thể, nhất là chế độ báo cáo quý. Cụ thể, Dự thảo Nghị định bỏ chế độ báo cáo quý I, 6 tháng, quý III; báo cáo giám sát, đánh giá trước khi trình quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đối với cơ quan được giao lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hoặc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình, dự án đầu tư công. Dự thảo Nghị định cũng bỏ chế độ báo cáo quý I, quý III; báo cáo giám sát, đánh giá trước khi khởi công chương trình, dự án của chủ chương trình, chủ đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công, chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước ngoài vốn đầu tư công, nhà đầu tư thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư.

Việc bỏ bớt báo cáo sẽ giảm thủ tục hành chính cho các chủ đầu tư chương trình, dự án. Tuy nhiên, để công tác quản lý nhà nước vừa thông thoáng nhưng không buông lỏng, Dự thảo Nghị định bổ sung quy định báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công hàng tháng đối với chủ chương trình, chủ đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công, chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư của nhà nước ngoài vốn đầu tư công, nhà đầu tư thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư.

Chuyên đề