Đơn giản hóa thủ tục lựa chọn nhà đầu tư PPP

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nghị định 35/2021/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 29/3/2021 đã có những hướng dẫn cụ thể về quy trình lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, nhiều quy định được xây dựng theo hướng đơn giản thủ tục, tiết kiệm thời gian đồng thời nâng cao hiệu quả của quá trình lựa chọn nhà đầu tư.
Kết quả khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc áp dụng sơ tuyển, lựa chọn nhà đầu tư trong nước, quốc tế đối với dự án PPP. Ảnh: Lê Tiên
Kết quả khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc áp dụng sơ tuyển, lựa chọn nhà đầu tư trong nước, quốc tế đối với dự án PPP. Ảnh: Lê Tiên

Luật PPP quy định một trong những nội dung của báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) là kết quả khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư và bên cho vay (nếu có). Hướng dẫn nội dung này, Nghị định 35 quy định, trong thời gian lập BCNCKT dự án PPP, cơ quan có thẩm quyền tổ chức khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, bên cho vay (nếu có), trừ dự án PPP được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận áp dụng chỉ định nhà đầu tư theo quy định tại Luật PPP. Việc khảo sát đối với dự án do nhà đầu tư đề xuất được thực hiện sau khi nhà đầu tư hoàn thiện dự thảo BCNCKT, gửi cơ quan có thẩm quyền. Trình tự, thời gian khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư cũng được quy định rõ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc khảo sát sự quan tâm nhằm tìm hiểu, đánh giá tính khả thi, hấp dẫn của dự án đối với khu vực tư nhân cũng như khảo sát ý kiến rộng rãi về một số yêu cầu về kỹ thuật trong dự án. Bên cạnh đó, theo quy định của Luật PPP, lựa chọn nhà đầu tư quốc tế được áp dụng đối với tất cả các dự án PPP, trừ trường hợp dự án thuộc ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư; dự án bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đối với những dự án chỉ có nhà đầu tư trong nước quan tâm thì việc áp dụng sơ tuyển rộng rãi quốc tế và lựa chọn nhà đầu tư quốc tế sẽ dẫn đến kéo dài thời gian, ảnh hưởng hiệu quả đầu tư dự án. Vì vậy, với mục tiêu đơn giản hóa thủ tục và tiết kiệm thời gian lựa chọn nhà đầu tư, Nghị định 35 được thiết kế theo hướng lồng ghép việc xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư và việc áp dụng sơ tuyển thông qua bước khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư. Kết quả khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc áp dụng sơ tuyển, lựa chọn nhà đầu tư trong nước, quốc tế.

Các hình thức lựa chọn nhà đầu tư quy định tại Nghị định 35 bao gồm đấu thầu rộng rãi, đàm phán cạnh tranh, chỉ định nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Trong đó, đàm phán cạnh tranh là hình thức mới được quy định tại Luật PPP, áp dụng đối với 2 nhóm dự án: sau khi khảo sát, dự án có không quá 3 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án được mời tham dự; dự án ứng dụng công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, dự án ứng dụng công nghệ mới theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ. Căn cứ đặc thù từng nhóm dự án, Nghị định quy định quy trình đàm phán cạnh tranh tương ứng.

Một chuyên gia về PPP nhận định, việc quy định về hình thức đàm phán cạnh tranh phản ánh xu hướng chung của thế giới nhằm tăng cường đối thoại giữa khu vực công và khu vực tư trong quá trình lựa chọn đối tác thực hiện hợp đồng dự án PPP.

Theo NĐ 35, đối tượng được hưởng ưu đãi khi đánh giá hồ sơ dự thầu gồm:

- Nhà đầu tư có hồ sơ đề xuất dự án được chấp thuận được hưởng mức ưu đãi 5% khi đánh giá hồ sơ dự thầu;

- Nhà đầu tư có cam kết sử dụng nhà thầu trong nước tham gia thực hiện dự án với giá trị công việc chiếm tỷ lệ từ 25% tổng mức đầu tư của dự án trở lên được hưởng mức ưu đãi 3%;

- Nhà đầu tư khi tham gia lựa chọn nhà đầu tư quốc tế có cam kết sử dụng hàng hóa, vật tư, vật liệu, thiết bị trong nước để thực hiện dự án với giá trị chiếm tỷ lệ từ 25% tổng mức đầu tư của dự án trở lên được hưởng mức ưu đãi 2%.

Nghị định cũng quy định rõ nguyên tắc và cách tính ưu đãi.

Chuyên đề