Ảnh chỉ mang tính minh họa: Tường Lâm |
Đau đầu với đơn giá nhân công
Ông Trần Nam Tiến, đại diện một nhà thầu xây dựng tại Quận 12 (TP.HCM) cho biết, hiện nay, đơn giá nhân công lĩnh vực xây dựng trên thị trường luôn “vượt ngưỡng” đơn giá do Nhà nước ban hành. “Đơn giá nhân công xây dựng của TP.HCM đang khiến các nhà thầu phải đau đầu tính toán vì đã gấp đôi đơn giá công bố”, ông Tiến chia sẻ.
Cụ thể, theo Quyết định số 3987/QĐ-UBND về công bố giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng; đơn giá nhân công xây dựng quý III và IV năm 2020 trên địa bàn TP.HCM, đơn giá nhân công xây dựng thuộc nhóm công nhân xây dựng (từ nhóm 1 đến nhóm 10) gần như ổn định từ đầu năm 2020 đến nay. Theo đó, nhóm 1 (cấp bậc bình quân 3,5/7) tại khu vực 1 là 246.500 đồng/ngày, khu vực II là 227.500 đồng/ngày.
“Thực tế, với công nhân xây dựng hiện tại, nếu những lao động có hợp đồng, được công ty bảo đảm các phụ cấp, bảo hiểm cố định thì chi phí đạt mức gần 300.000 đồng/ngày. Trong khi đó, nếu là lao động thời vụ, nhà thầu bắt buộc phải thanh toán theo mức 350.000 - 500.000 đồng/ngày. Do yêu cầu số lượng nhiều, công nhân xây dựng vẫn thường là nhóm lao động được nhà thầu thuê theo thời vụ, mức chi phí cho nhân công luôn cao hơn so với định mức”, ông Tiến khẳng định.
Tại TP.HCM, đơn giá đối với kỹ sư (khảo sát, thí nghiệm vật liệu, cấp bậc bình quân 4/8) cũng ở mức tương tự như công nhân, 246.500 đồng và 227.500 đồng/ngày là rất khó hiểu.
Tại tỉnh Khánh Hòa, một đơn vị xây lắp lĩnh vực điện cho biết, đa số các công ty xây dựng hiện nay chỉ duy trì lao động cơ hữu là đội ngũ kỹ sư, cử nhân. Đối với công nhân, cơ bản vẫn thuê theo nhu cầu của công trình. Đơn giá của đội ngũ nhân công này ở Khánh Hòa ở mức 450.000 đồng/ngày trở lên. Với những ngày có sự kiện quan trọng như đấu nối, khoan móng, đổ mái, cất nóc… thì nhà thầu phải bấm bụng trả gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi để giữ chân lao động.
Tại Quảng Nam, đơn giá nhân công xây dựng do UBND Tỉnh công bố luôn thấp hơn thị trường. Cụ thể, nhân công xây dựng bậc 3/7 (lao động phổ thông) ở vùng III, thực tế chi trả khoảng 350.000 đồng/ngày, trong khi theo quy định của UBND Tỉnh chỉ 178.000 đồng/ngày. Như vậy, quy định đơn giá nhân công của Nhà nước chỉ bằng khoảng một nửa so với thực tế. Đó là chưa kể tại khu vực đô thị như Hội An, Tam Kỳ…, đơn giá nhân công thường tăng phi mã đến 400.000 đồng/ngày.
Theo một số nhà thầu, nhân công chiếm từ 20 - 30% chi phí xây dựng. Do đó, chi phí này đang thực sự là gánh nặng đối với nhiều nhà thầu.
Xoay sở đủ đường
Sau thời gian giãn cách do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhà thầu xây dựng phải đối mặt với nhiều bài toán khi tham dự thầu, trong đó có đơn giá nhân công.
Theo chia sẻ của một số nhà thầu, trong lĩnh vực xây dựng, việc tái sử dụng các vật liệu như cốp pha, cây chống, giàn giáo… cũng là cách giảm chi phí.
Một yếu tố giúp tiết kiệm thêm chi phí cho nhà thầu chính là đẩy nhanh tiến độ, huy động tối đa nhân công, vật lực, ca máy để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Một đơn vị chuyên thi công kè khẳng định, việc sử dụng các máy thi công có công suất lớn hơn định mức để thi công sẽ đem lại tiến độ, hiệu quả, công suất bù vào chi phí nhân công. Bên cạnh đó, các nhà thầu hiện nay đầu tư nguồn lực rất lớn để mua sắm thiết bị chuyên dụng, hiện đại cùng các biện pháp tối ưu so với biện pháp của thiết kế để tiết giảm chi phí.
Đồng thời, các nhà thầu cho biết, phải giảm triệt để thời gian chết bằng cách tăng tiến độ với trình tự, kế hoạch thi công hợp lý; yêu cầu người chỉ huy phải nhiều kinh nghiệm và hiểu nghề; công tác bảo dưỡng máy móc, phục hồi công cụ, dụng cụ phải thường xuyên…
Tuy nhiên, các nhà thầu xây dựng cho rằng, việc thực hiện các giải pháp nói trên là tùy vào khả năng của từng nhà thầu. Để giải quyết tận gốc, cần xây dựng đơn giá nhân công sát thực tế. Có như vậy, việc dự thầu của nhà thầu mới đảm bảo về mặt kinh tế. Đây cũng là giải pháp để nâng cao chất lượng công trình xây dựng hiện nay.