Đơn giá bồi thường cản tiến độ dự án truyền tải điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, tình trạng quá tải của hệ thống truyền tải điện vẫn diễn ra do nhiều công trình lưới điện không đạt tiến độ. Vậy đâu là nguyên nhân chính đang cản trở tiến độ các dự án này?
Nhiều dự án truyền tải điện đang chậm tiến độ so với kế hoạch từ 6 tháng trở lên. Ảnh: Thế Anh
Nhiều dự án truyền tải điện đang chậm tiến độ so với kế hoạch từ 6 tháng trở lên. Ảnh: Thế Anh

Nhiều vướng mắc

Hiện nhiều dự án truyền tải điện quan trọng như: Đường dây 500kV mạch 3 (Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2); Đường dây 500kV Tây Hà Nội - Thường Tín; Đường dây 500kV/220kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín; các đường dây 500kV và 220kV đấu nối trạm biến áp 500kV Đức Hòa, đường dây 500kV Mỹ Tho - Đức Hòa... đang chậm tiến độ so với kế hoạch từ 6 tháng trở lên.

Đối với các dự án này, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) – một trong những chủ đầu tư của nhiều dự án lớn cho biết, thời gian qua, Đảng ủy, Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVNNPT đã có rất nhiều văn bản, nhiều lần trực tiếp đến làm việc với cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp để kiến nghị và phối hợp xử lý các khó khăn vướng mắc, song đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Theo chủ đầu tư này, một trong những vướng mắc lớn nhất đang cản tiến độ các dự án lưới truyền tải điện là khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB).

Về giá bồi thường, hiện có tình trạng đơn giá bồi thường được chính quyền địa phương phê duyệt theo quy định của Nhà nước không theo kịp giá trị thị trường. Do chênh lệch giá dẫn đến những khiếu nại kéo dài gây ảnh hưởng đến công tác BTGPMB và tiến độ triển khai các dự án lưới truyền tải điện. Đáng chú ý, trong vài năm gần đây, khi một số chủ đầu tư tư nhân đầu tư các nhà máy điện năng lượng tái tạo thực hiện BTGPMB theo giá thỏa thuận cũng dẫn đến sự so sánh của người dân và ảnh hưởng tiêu cực đến công tác BTGPMB cũng như tiến độ triển khai của các dự án đầu tư từ vốn nhà nước trên cùng địa bàn.

Tại một số địa phương, công tác quản lý đất đai còn yếu kém dẫn đến khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất. Nhiều thửa đất/diện tích đất không xác định được là đất công do chính quyền quản lý hay đất giao cho hộ gia đình/doanh nghiệp khiến công tác quy chủ, kiểm kê gặp nhiều khó khăn và chậm trễ...

Vướng mắc lớn thứ hai là việc chuyển đổi đất rừng. Hiện thủ tục xin chuyển đổi đất rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên sang đất xây dựng dự án khá phức tạp, chuyển qua lại giữa các địa phương, bộ ngành các cấp để kiểm tra, rà soát trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đã dẫn đến thời gian thực hiện thủ tục kéo dài. Thời gian thực hiện kéo dài cả năm, thậm chí nhiều năm chưa xong làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ chuẩn bị đầu tư và thực hiện nhiều dự án như: các dự án đường dây 220kV: Huội Quảng - Nghĩa Lộ, Nghĩa Lộ - Việt Trì, Nha Trang - Tháp Chàm…

Cùng với đó là vướng mắc trong công tác quy hoạch. Việc triển khai đầu tư các dự án lưới điện bị ảnh hưởng bởi quy hoạch các ngành khác, nhất là quy hoạch xây dựng, giao thông, sử dụng đất… Trong khi đó, các quy hoạch ngành lại do các bộ, ngành hoặc đơn vị khác nhau thực hiện, việc lập các đề án không thống nhất, thiếu cập nhật bổ sung lẫn nhau dẫn tới nhiều bất cập.

Sớm phê duyệt Quy hoạch phát triển điện VIII

Trong bối cảnh nhu cầu điện cho sản xuất và tiêu dùng liên tục tăng cao, nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác đầu tư xây dựng các dự án lưới điện truyền tải, EVNNPT kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ một loạt các giải pháp.

Trước hết, doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 có xét đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) để làm cơ sở triển khai các dự án lưới điện truyền tải của EVNNPT trong thời gian tới.

Trên cơ sở Quy hoạch điện VIII được duyệt, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố căn cứ đất sử dụng cho mục đích năng lượng trong quy hoạch để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương nhằm tránh tình trạng nhiều địa phương không có quỹ đất dành cho các công trình lưới điện truyền tải, gây chậm trễ triển khai dự án.

Thêm vào đó, EVNNPT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chính quyền các địa phương tập trung xử lý tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác BTGPMT cho các dự án truyền tải điện; cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích xây dựng công trình điện mà không phải thực hiện thủ tục xin quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng cho từng dự án; bổ sung vào các quy định của Nhà nước hoặc có các biện pháp chế tài khi thực hiện công tác đền bù phục vụ thi công...

Với các địa phương, EVNNPT kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố tạo điều kiện, hỗ trợ trong công tác đầu tư xây dựng công trình lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện/thị xã/thành phố trực thuộc phối hợp hoàn thành thủ tục về thỏa thuận tuyến, bàn giao tuyến, không để phát sinh nhà cửa, công trình trong hành lang tuyến đường dây và mặt bằng trạm biến áp đã thỏa thuận; phê duyệt đơn giá BTGPMB...

Chuyên đề