Đón dòng vốn chất lượng cao

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việt Nam đang có những cơ hội, lợi thế để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và năm 2021 có thể coi là năm bản lề chuẩn bị điều kiện tốt nhất “dọn ổ đón đại bàng”, trong một cuộc chơi cùng thắng. Báo Đấu thầu đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Toàn - chuyên gia kinh tế, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, xung quanh câu chuyện này.
Kết quả phát triển kinh tế và chống dịch thành công năm 2020 tạo ra lợi thế mới, tăng uy tín, hình ảnh của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Lê Tiên
Kết quả phát triển kinh tế và chống dịch thành công năm 2020 tạo ra lợi thế mới, tăng uy tín, hình ảnh của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Lê Tiên

Ông đánh giá như thế nào về kết quả thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) năm 2020 - một năm vô cùng khó khăn bởi dịch bệnh?

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến ngày 20/12/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN đạt 28,53 tỷ USD, bằng 75% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 19,98 tỷ USD, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2019.

Dù sụt giảm so với năm 2019 nhưng kết quả trên có thể coi là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2020 - một năm khó khăn đặc biệt bởi dịch bệnh Covid-19, hầu như các giao dịch trực tiếp để thu hút FDI và hoạt động khảo sát của nhà đầu tư không thực hiện được, suy giảm FDI toàn cầu theo nhận định của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) là 40%.

Đặc biệt, vốn giải ngân thực tế chỉ giảm 2% nói lên lòng tin của nhà đầu tư, trong điều kiện dịch bệnh vẫn quyết tâm thực hiện giải ngân vốn đã đăng ký. Điểm nhấn nữa là vốn đầu tư điều chỉnh tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2019 thể hiện nhiều doanh nghiệp (DN) ĐTNN đang dần hồi phục, duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh và mở rộng dự án, niềm tin vào môi trường đầu tư của Việt Nam được củng cố. Đây là tín hiệu tích cực và chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực để đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Dịch Covid-19 thúc đẩy làn sóng dịch chuyển FDI trên toàn cầu, đặc biệt là xu thế tái cấu trúc chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia diễn ra nhanh chóng hơn. Việt Nam có những ưu thế nổi trội gì để hấp dẫn dòng vốn mới, thu hút các nhà ĐTNN tầm cỡ trên thế giới?

Bên cạnh những lợi thế cũ, thì kết quả phát triển kinh tế và chống dịch thành công năm 2020 cũng tạo ra lợi thế mới cho Việt Nam, tăng uy tín, hình ảnh của Việt Nam đối với nhà ĐTNN. Qua 1 năm ứng phó với dịch bệnh, sức chịu đựng của nền kinh tế và DN Việt Nam tăng lên rõ rệt; tiến trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo được Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Đây sẽ là những tiền đề rất tốt để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững hơn trong thời gian tới, từ đó hấp dẫn hơn với nhà ĐTNN.

Bên cạnh đó, kết quả hội nhập mở ra nhiều cơ hội mới trong tương lai. Đặc biệt, việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA) tạo thuận lợi, cú hích mới để thu hút vốn ĐTNN, đặc biệt nguồn vốn tốt từ EU.

Ba luật về môi trường đầu tư, kinh doanh gồm Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 được đánh giá sẽ góp phần tăng tính cạnh tranh, hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam. Các luật này đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phân cấp, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, đồng thời minh bạch hóa từ khâu chuẩn bị đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho đến tiếp cận thị trường.

Trong đó, Luật Đầu tư (sửa đổi) quy định nội dung ưu đãi đặc biệt có tính cạnh tranh rất lớn so với nhiều nước trên thế giới, hướng đến thu hút các dự án công nghệ cao, tạo điều kiện cho DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị. Quy định về bảo hộ đầu tư với nhà ĐTNN có bước chuyển biến nhất định giúp nhà đầu tư yên tâm hơn vào sự ổn định của chính sách, gia tăng mối quan tâm của cộng đồng DN, nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như là một điểm đến đầu tư, kinh doanh an toàn, bền vững.

Thưa ông, lợi thế, tiềm năng là rất tốt, nhưng chưa đủ. Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị ra sao để đón được nguồn vốn ĐTNN có chất lượng cao?

Những giải pháp chính sách điều hành kinh tế 2021 của Chính phủ rất rõ ràng, khi được triển khai thực hiện tốt sẽ tác động đến nền kinh tế nói chung và tình hình ĐTNN tại Việt Nam, cũng như sức hút của nền kinh tế Việt Nam đối với nhà ĐTNN cả về thương mại và đầu tư.

Năm 2021 không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào số lượng của đầu tư, mà nên chú trọng chất lượng, lấy hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí, đặc biệt ưu tiên nguồn vốn chất lượng cao của các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia, tập đoàn lớn của thế giới. Về số lượng thì chú trọng vào số vốn giải ngân, vào dự án giá trị lớn của các công ty đa quốc gia.

Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị đã định hướng thu hút đầu tư chất lượng cao, chọn lọc dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn có tác động lan tỏa. Muốn đón được dòng vốn này, Việt Nam phải chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, vì dòng vốn không tự nhiên đến.

Thứ nhất là về thể chế, dù đã có nhiều cải cách nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng của nhà đầu tư. Hệ thống khung chính sách vẫn chưa thật ổn định, còn chồng chéo, không đồng bộ làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, việc hoạch định chiến lược, chương trình đầu tư, kế hoạch sản xuất kinh doanh, thị trường, nguồn nguyên vật liệu để làm ăn lâu dài ở Việt Nam. Chính vì hệ thống chính sách chưa ổn định, chưa đồng bộ nên tạo ra nhiều kẽ hở để người thực thi chính sách có thể áp đặt ý kiến chủ quan của mình mà vẫn đúng luật. Đây là điều mà nhà ĐTNN rất e ngại. Vì thế, song hành với hoàn thiện thể chế, cũng cần nâng cao năng lực điều hành, thực thi chính sách, trọng tâm là năng lực, đạo đức của cán bộ công chức.

Thứ hai là về hạ tầng. Các nước trong khu vực như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan đang rất chú trọng chuẩn bị tốt điều kiện hạ tầng, nhất là đất sạch và hạ tầng xã hội để thu hút vốn ĐTNN, đặc biệt luồng vốn dịch chuyển. Việt Nam vẫn đang tích cực rà soát các khu công nghiệp, tạo quỹ đất để thu hút ĐTNN, nhưng năm 2021 phải mạnh mẽ, tích cực, cụ thể hơn. Hạ tầng không chỉ là đất sạch, nhà máy nhà xưởng, điện nước, mà cả hạ tầng xã hội từ nhà ở, nhà trẻ, trường học… để có môi trường tốt cho chuyên gia, cán bộ, công nhân viên của nhà đầu tư sinh sống, làm việc.

Đồng thời, hạ tầng giao thông phải được đầu tư đồng bộ, kết nối giao thương, có mục tiêu, lộ trình và giải pháp giảm thiểu chi phí logistics, đặc biệt là logistics nội địa.

Thứ ba, phải có nguồn nhân lực tốt. Đây là lộ trình dài nhưng năm 2021 phải làm mạnh mẽ. Nhiều dự án ĐTNN có chất lượng cao vào Việt Nam rất khó khăn trong tuyển dụng lao động. Đào tạo cần theo nhu cầu phát triển, đón đầu đào tạo thế hệ lao động mới thích ứng với sự biến đổi của nền kinh tế, của cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số. Hệ thống đào tạo phải thay đổi hết sức căn cơ, không phải cứ theo những giáo án cũ. Phương pháp đào tạo phải tăng cường mạnh mẽ kết hợp giữa nhà trường và DN để đáp ứng đúng nhu cầu, lao động khi vào DN có thể bắt tay làm việc sớm, giảm chi phí cho DN.

Chính phủ cũng phải thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tốt hơn. Trong bối cảnh mới, nếu không làm tốt chuyển đổi số sẽ ảnh hưởng chung đến nền kinh tế và cả thu hút ĐTNN.

Vậy nhận định của ông về thu hút FDI thời gian tới như thế nào?

Năm 2021 không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào số lượng của đầu tư, mà nên chú trọng chất lượng, lấy hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí, đặc biệt ưu tiên nguồn vốn chất lượng cao của các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia, tập đoàn lớn của thế giới. Về số lượng thì chú trọng vào số vốn giải ngân, vào dự án giá trị lớn của các công ty đa quốc gia.

Nhà đầu tư từ EU, Mỹ vào Việt Nam chưa nhiều, trong khi đây là những nhà đầu tư có công nghệ cao, quản lý tốt. Mỹ đầu tư ra nước ngoài 300 tỷ USD mỗi năm nhưng vào Việt Nam chưa đến 1 tỷ USD. Các quốc gia thành viên EU như Đức, Pháp... đầu tư vào Việt Nam còn khiêm tốn. Dư địa thu hút đầu tư từ EU còn rất lớn, đặc biệt sau khi EVIPA có hiệu lực. Đó là tiềm năng của 2021 và những năm sau.

Thông tin đáng mừng là đã có khá nhiều tập đoàn lớn thể hiện sự quan tâm, tìm hiểu môi trường đầu tư của Việt Nam. Khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, giao thương đi lại thoải mái hơn, khảo sát tiếp xúc mạnh mẽ hơn, rất có thể họ sẽ lựa chọn Việt Nam. Đây là nguồn vốn rất đáng kỳ vọng.

Ở góc độ trong nước, phải có hỗ trợ, chính sách phù hợp để xây dựng khu vực DN nội địa đủ mạnh, có thể bắt tay với DN ĐTNN một cách bình đẳng. Thứ nhất, phải có những tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh trở thành những con sếu đầu đàn, những đối tác bình đẳng hợp tác, liên doanh, liên kết với nhà ĐTNN. Thứ hai, DN nhỏ phải vươn lên, hoàn thành được các yêu cầu của nhà ĐTNN về chất lượng sản phẩm, chất lượng quản lý…, từ đó tham gia được vào chuỗi giá trị. Không chỉ vậy, cần nỗ lực tham gia vào các phân khúc có giá trị cao hơn, làm được những chi tiết có hàm lượng công nghệ cao...

Để phát triển quốc gia hùng cường, khu vực DN trong nước vẫn là động lực quyết định. Vì thế, các chính sách cần vừa tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để đón sóng FDI trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt, vừa tạo hành lang thông thoáng thúc đẩy DN trong nước lớn mạnh.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chuyên đề

Kết nối đầu tư