Tại cuộc họp, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đề xuất đưa Nhà máy Phân bón DAP 1 Hải Phòng ra khỏi danh sách 12 nhà máy, dự án yếu kém (ảnh Internet) |
Phó Thủ tướng đánh giá, các tập đoàn, tổng công ty đang đầu tư vào các dự án, nhà máy này đã triển khai kịp thời, hiệu quả nhiều công việc được giao trong thời gian qua để tháo gỡ khó khăn.
Cụ thể, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh thì tới nay có 2 nhà máy bước đầu có lãi là Nhà máy Phân bón DAP 1 Hải Phòng và Thép Việt- Trung. 4 nhà máy còn lại vẫn tiếp tục từng bước khắc phục khó khăn để ổn định sản xuất và giảm dần mức độ thua lỗ là đạm Hà Bắc, DAP 2 Lào Cai, đạm Ninh Bình. Các nhà máy này đang tiếp tục giảm lỗ trong 2 tháng đầu năm 2019.
Trong số 3 nhà máy dừng sản xuất kinh doanh, đến nay, đã có 2 dự án vận hành ổn định trở lại là Nhà máy xơ sợi Đình Vũ và Ethanol Quảng Ngãi.
Nhà máy Ethanol Bình Phước đang xây dựng kế hoạch và xác định thời điểm vận hành sản xuất phù hợp với điều kiện thị trường.
Cũng tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho biết, tại các dự án còn lại, việc xử lý vướng mắc pháp lý với nhà thầu không dễ dàng, nhất là nhà máy đạm Ninh Bình và dự án mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Phó Thủ tướng chỉ đạo, những vướng mắc này phải được xử lý thì mới thực hiện được tiếp các thủ tục bán, thoái vốn được khỏi các nhà máy, dự án. Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, cơ quan liên quan chủ động triển khai nhiệm vụ được giao, xử lý theo thẩm quyền và báo cáo kịp thời tới Ban về những vướng mắc; đồng thời đề nghị “siêu” Ủy ban sẽ tiếp quản công việc Thường trực Ban chỉ đạo từ Bộ Công Thương, bổ sung Chủ tịch Uỷ ban làm Phó Trưởng Ban Thường trực cùng các thành viên để đốc thúc công việc.
Trước đó, trong cuộc làm việc với “siêu” Ủy ban diễn ra ngày 26/3/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh yêu cầu, Ủy ban cần tập trung xử lý 12 dự án, nhà máy thua lỗ của ngành Công Thương.