Dù Luật Đầu tư sửa đổi đã triển khai được 8 tháng, song sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật vẫn tiếp tục “làm khó” cho DN và NĐT |
Đây cũng là nội dung chính được đề cập tại kỳ họp lần thứ 2 Tổ Công tác thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp diễn ra đầu tuần này nhằm đẩy nhanh việc hoàn thiện, giải quyết các khó khăn và tạo thuận lợi cho DN và NĐT.
Tính đến nay, việc triển khai Luật Đầu tư sửa đổi đã được 8 tháng, song trên thực tế, theo đánh giá của Tổ Công tác, việc bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện các văn bản pháp luật vẫn chưa có sự tiến triển rõ rệt và đồng bộ từ hầu hết các Bộ, ngành có liên quan, dẫn đến sự mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật, gây vướng mắc cho DN và NĐT.
Đơn cử, nhiều NĐT còn than phiền về việc nhiều quy định trong 2 Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi chưa được thực hiện trên thực thực tế vì các quy định chuyên ngành chưa được chỉnh sửa, gây ảnh hưởng đến tiến độ kế hoạch đầu tư của DN.
Điều này dẫn tới việc đình trệ các thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho NĐT nước ngoài trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ do Nghị định 23/2007/NĐ-CP quy định chi tiết, Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động có liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa vẫn đang có hiệu lực yêu cầu cơ quan đăng ký đầu tư phải lấy ý kiến của Bộ Công thương và chỉ được cấp Giấy chứng nhận đầu tư khi Bộ này chấp thuận bằng văn bản.
Mới đây, tình trạng chồng chéo, chưa thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam đã được các DN Nhật Bản phản ánh tại báo cáo Điều tra thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN Nhật Bản tại Việt Nam 2015 được thực hiện bởi Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO).
Theo đó, có tới hơn 60% số DN Nhật Bản tham gia điều tra đã bày tỏ quan ngại về hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch sẽ làm gia tăng mức độ rủi ro trong môi trường đầu tư của Việt Nam.
Theo lý giải của ông Kawada Atsusuke, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại Hà Nội, vấn đề lớn nhất vẫn là việc giải thích luật giữa các Bộ, ngành, địa phương và cán bộ phụ trách không giống nhau, thể hiện sự không đồng bộ và nhất quán trong hệ thống luật pháp, chính sách, từ đó gây ra nhiều khó khăn trong thực thi.
Điều này đã chỉ ra một thực tế cần xem xét rằng, mặc dù năm 2015, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh, song thay vì có những đánh giá tích cực, cộng đồng DN Nhật Bản tại Việt Nam vẫn tỏ ra lo ngại về những rủi ro hiện hữu, thậm chí mức độ lo ngại còn gia tăng hơn trước.
“Tôi cho rằng, thực tế trên đã thể hiện tính lưỡng lự trong áp dụng pháp luật tại Việt Nam. Nếu mọi nơi đều áp dụng đúng quy định về thi hành văn bản quy phạm pháp luật, nghĩa là cùng một vấn đề thì văn bản sau phủ nhận văn bản trước, văn bản pháp lý cao hơn phủ nhận văn bản thấp hơn, thì sẽ không có vấn đề gì, song ở đây lại không thế nên gây ra bức xúc và cản trở, mà đối tượng chịu chính vẫn là DN và người dân”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Trưởng ban Thư ký Tổ Công tác nhấn mạnh.
Nói về trường hợp đình trệ các thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho NĐT nước ngoài trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ như đã nêu trên, ông Cung cho rằng, Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng thi hành Luật Đầu tư đã phủ định yêu cầu về hồ sơ thủ tục liên quan đến lĩnh vực này như của Nghị định 23/2007/NĐ-CP, thì đáng ra các cơ quan cứ theo đúng quy định văn bản sau phủ nhận văn bản trước mà thực thi, nhưng thực tế lại không dám làm, dẫn tới gây cản trở, khó khăn cho DN.
“Một số cơ quan đăng ký kinh doanh đã thực hiện theo Nghị định 118, nhưng đa phần không thực hiện, mà chủ yếu là do không thống nhất cách hiểu và thực thi luật, dẫn đến không dám thực hiện theo quy định”, ông Cung nói và cho biết, thậm chí còn có trường hợp phải thực hiện theo chỉ đạo, tạo ra “hệ thống pháp luật riêng” của các Bộ, ngành cát cứ, lấn lướt tinh thần triển khai luật, gây bức xúc cho DN và NĐT khi những đổi mới của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư chưa thể thực thi vì những quy định cũ và cách ứng xử của công chức trong thực thi pháp luật.
“Về vấn đề trên, Tổ Công tác sẽ đề xuất, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng quan điểm của tôi là phải thực hiện theo luật”, ông Cung khẳng định.