Những câu chuyện trên đường xác minh thông tin phản ánh cho thấy phần nào hậu trường công việc trong quá trình tác nghiệp của phóng viên. Ảnh: Nhã Chi |
“Cô đi khám bệnh gì mà cứ thầu thầu?”
Cách đây gần 10 năm, khi mới vào công tác tại Báo Đấu thầu được 1 năm, tôi có chuyến công tác xa đầu tiên, cách Hà Nội gần 500 km, tại huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An), giáp Lào. Huyện biên giới nghèo này không có khách sạn, chỉ có những nhà nghỉ kiểu nhà sàn của người dân tộc Thái. Và thuê phòng thì hoàn toàn không có máy lạnh, tủ sưởi. Mùa đông miền biên viễn, khỏi phải nói là lạnh thấu xương. Sáng sớm đi xe ôm đến bệnh viện huyện, nơi bị tố cáo không bán HSMT, tôi bắt đầu những câu chuyện… cười ra nước mắt.
Phòng bán HSMT được đăng ký là phòng hành chính. Nhưng ngày làm việc, tìm mãi không ra nhân viên nào. Hỏi đến các phòng khác thì ai cũng nhìn tôi như người ngoài hành tinh và chỉ vào các phòng khám. “Ở đây chỉ có bác sỹ thôi. Cô đi khám bệnh gì mà cứ thầu thầu?” Mất hai tiếng đồng hồ mà tôi không thể nói chuyện và giải thích được với tất cả những người có mặt ở bệnh viện này hiểu là HSMT đang ở đâu. Lúc ra về, tôi vẫn còn nghe sau lưng mình những tiếng xì xào “cô này chắc bị bệnh gì ở thành phố mà về đây nói lung tung”.
Ấy thế mà, tìm Giám đốc Bệnh viện để hỏi cho ra nhẽ khó bao nhiêu thì tôi thực sự choáng váng khi đã ra Hà Nội, bài đã đăng thì Giám đốc Bệnh viện đã có mặt tại Hà Nội và gọi điện: “Mong nhà báo thông cảm vì đấu thầu ở miền núi nó vậy”.
Nhà thầu “giữa đường”... rút đơn kiến nghị
Thời gian qua, được sự tín nhiệm của nhiều nhà thầu, chủ đầu tư, Báo Đấu thầu đã và đang ngày càng khẳng định vị thế riêng của mình trong làng báo Việt Nam, là kênh thông tin “nóng hổi”, chính thống về các hoạt động đấu thầu trong cả nước. Báo Đấu thầu cũng liên tục nhận được những “cánh thư”, văn bản phản ánh, kiến nghị của nhà thầu trong quá trình tham gia đấu thầu, “phản hồi” của các chủ đầu tư/bên mời thầu về những thông tin mà Báo phản ánh… Đáp lại sự mong đợi và tin yêu đó của nhà thầu, chủ đầu tư, Đường dây nóng của Báo Đấu thầu lúc nào cũng thường trực “kênh” tiếp nhận thông tin đa chiều, phản ánh khách quan, đa dạng và có cái nhìn công tâm, công bằng đối với sự việc.
Quá trình tiếp nhận và xử lý nhiều vụ việc “nổi cộm” trong đấu thầu của phóng viên cho thấy, trên thực tế, nhà thầu vẫn gặp nhiều khó khăn, cản trở trong quá trình tham gia đấu thầu, khó từ “cửa ải” mua hồ sơ mời thầu, khó để nộp được hồ sơ dự thầu và phải “trèo đèo lội suối” trong quá trình làm rõ hồ sơ dự thầu với những chủ đầu tư thiếu “thiện chí” với mình. Với mong muốn được đem lại công bằng cho nhà thầu, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà thầu theo quy định của pháp luật, sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị của nhà thầu, phóng viên Báo Đấu thầu đã nỗ lực liên hệ, kêu gọi trách nhiệm xử lý vụ việc của các cơ quan, ban ngành liên quan, bởi vì trên thực tế, có không ít vụ việc mặc dù “tồn tại sờ sờ” ra đấy vẫn bị lờ đi, lảng tránh, để mặc cho rơi vào im lặng. Nhiều cơ quan liên quan trực tiếp ở địa phương khi được yêu cầu trả lời thì lại trả lời qua loa, đại khái, rất thiếu trách nhiệm. Nhiều vụ việc, phóng viên “mừng đến rơi nước mắt” khi một số cơ quan liên quan ở địa phương có “động thái” vào cuộc, làm rõ vụ việc và nội dung phản ánh của nhà thầu.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nhà thầu đã đẩy phóng viên vào tình huống khó xử, “tiến thoái lưỡng nan” khi sự việc đang sắp được các cơ quan chức năng xem xét, xử lý thì lại viết đơn “rút lại đơn kiến nghị”. Thậm chí, trong đơn rút lại nội dung đã kiến nghị trước đó, nhà thầu thậm chí trình bày một số sự việc “khác” hẳn với bản chất so với nội dung phản ánh trước đó; các cơ quan chức năng cũng vì “cái đơn rút lại” này của nhà thầu mà miễn truy cứu, làm sáng tỏ sự việc. Và như vậy, bản chất sự việc, gốc rễ vấn đề vẫn không hề bị xử lý triệt để, những “thói hư tật xấu” trong đấu thầu cũng dần bị lãng quên và không có “thuốc đặc hiệu để điều trị”.