Doanh thu èo uột, An Gia vẫn báo lãi quý II tăng 90%

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia (An Gia) ghi nhận doanh thu quý II/2020 chưa đến 20 tỷ đồng.
Đến cuối quý II, hàng tồn kho của Công ty CP Đầu tư và Phát
triển bất động sản An Gia tăng đột biến lên 5.049 tỷ đồng, trong đó tập trung ở
các dự án bất động sản dở dang. Ảnh: Phú An
Đến cuối quý II, hàng tồn kho của Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia tăng đột biến lên 5.049 tỷ đồng, trong đó tập trung ở các dự án bất động sản dở dang. Ảnh: Phú An

Dù vậy, Công ty vẫn có kết quả lợi nhuận tăng trưởng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái nhờ việc đánh giá lại khoản đầu tư vào Công ty CP Tư vấn Hoàng Ân.

An Gia được thành lập năm 2012, hiện có vốn điều lệ 750 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh và môi giới bất động sản. Cổ phiếu Công ty được giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vào đầu năm 2020.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 vừa được An Gia công bố, doanh thu bán hàng trong quý chỉ đạt vỏn vẹn 17,2 tỷ đồng, chỉ bằng gần 1/10 so với con số 168,1 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm ngoái. Trong quý II/2020, Công ty không ghi nhận doanh thu từ hoạt động bán căn hộ, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái hoạt động này mang về 92 tỷ đồng. Còn doanh thu dịch vụ tư vấn môi giới và tiếp thị cũng giảm mạnh 85%, đạt vỏn vẹn 14 tỷ đồng.

Đáng chú ý, doanh thu không bù đắp được chi phí giá vốn khiến lợi nhuận gộp Công ty âm 1,5 tỷ đồng. Tuy vậy, An Gia vẫn báo lãi trước thuế tăng trưởng 90% lên 193,6 tỷ đồng. Tăng trưởng lợi nhuận của An Gia đến từ doanh thu từ hoạt động tài chính tăng vọt so với cùng kỳ năm trước nhờ đánh giá lại khoản đầu tư vào Tư vấn Hoàng Ân.

Cụ thể, cuối tháng 6/2020, An Gia đã hoàn tất việc mua thêm 5% cổ phần và các thủ tục pháp lý nhằm nắm quyền kiểm soát Tư vấn Hoàng Ân. Theo đó, với tỷ lệ nắm giữ 50,01%, Tư vấn Hoàng Ân đã trở thành công ty con của An Gia. Đồng thời, An Gia cũng nắm quyền kiểm soát Công ty CP Đầu tư Xây dựng Du lịch Phước Lộc, doanh nghiệp do Tư vấn Hoàng Ân sở hữu 99,98%.

Sau khi nắm quyền kiểm soát tài sản của Tư vấn Hoàng Ân, An Gia đã đánh giá lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư 45,01% vào Tư vấn Hoàng Ân và ghi nhận khoản chênh lệch 190,6 tỷ đồng và được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính.

Nhờ đó, chênh lệch giữa doanh thu và chi phí tài chính quý II/2020 của An Gia đạt 200,6 tỷ đồng, gấp 19 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tư vấn Hoàng Ân được thành lập vào tháng 1/2018 bởi chính An Gia cùng ông Nguyễn Bá Sáng và Nguyễn Trung Tín (Chủ tịch và Phó Chủ tịch An Gia) với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Sau đó công ty này liên tục tăng vốn lên hàng trăm tỷ đồng cùng với sự tham gia của cổ đông nước ngoài Creed Investment VN-1 Ltd. Người đại diện cho cổ đông nước ngoài này là ông Masakazu Yamaguchi cũng là cổ đông và thành viên HĐQT của An Gia. Còn vị trí Giám đốc Tư vấn Hoàng Ân do ông Nguyễn Trung Tín nắm giữ. Việc người của An Gia nắm quyền tại Tư vấn Hoàng Ân có thể đặt ra những băn khoăn về bản chất của giao dịch này. Liệu việc định giá cổ phần Tư vấn Hoàng Ân có được thực hiện bởi một tổ chức độc lập hay không? Tài sản của Tư vấn Hoàng Ân được kiểm toán ra sao?

Bên cạnh đó, An Gia cũng ghi nhận một khoản doanh thu 40 tỷ đồng từ tiền phạt thanh lý hợp đồng. Báo cáo tài chính Công ty không diễn giải chi tiết về khoản thu này.

Tại thời điểm cuối quý II/2020, tổng tài sản của An Gia đạt 8.115 tỷ đồng, tăng 50% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ phải trả của Công ty tăng đột biến 57% lên 6.210 tỷ đồng, gấp 3,26 lần vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó, hàng tồn kho của Công ty cũng tăng đột biến gần gấp 2 lần so với thời điểm đầu năm từ 2.611 tỷ đồng lên 5.049 tỷ đồng. Trong đó tập trung chủ yếu ở Dự án The Sóng (1.955 tỷ đồng), River Panorama 1 (945,5 tỷ đồng) và River Panorama 2 (940 tỷ đồng).

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, Công ty cho biết trong năm sẽ triển khai Dự án Westgate (Bình Chánh, TP.HCM) và ra mắt The Standard (Bình Dương) bên cạnh việc bàn giao River Panorama (Quận 7, TP.HCM). Công ty vẫn tiếp tục đầu tư vào phân khúc căn hộ vừa túi tiền và trung cấp.

Tồn kho tăng cao trong bối cảnh doanh thu bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19 sẽ khiến Công ty phải đối diện với áp lực chi phí tài chính lớn nếu không sớm “giải phóng” lượng hàng tồn kho này.

Chuyên đề