Doanh nghiệp xuất nhập khẩu 4 tỉnh, thành phía Bắc: Hai vấn đề cần tháo gỡ để tăng sức cạnh tranh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng kiến kết nối kinh tế 4 địa phương phía Bắc nằm trên trục cao tốc phía Đông từ Hà Nội, Hải Phòng đến cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) gồm: Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên được kỳ vọng sẽ tạo chuỗi liên kết với không gian phát triển mới, tạo thành một khu vực kinh tế động lực tăng trưởng, phát triển năng động. Song để đạt được mục tiêu đó, phải sớm gỡ bỏ các rào cản về thủ tục hải quan, kiểm tra chuyên ngành, tiết giảm chi phí logistics.
Thời gian kiểm tra thông quan còn chậm, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa, đặc biệt là nông sản. Ảnh: Phan Hậu
Thời gian kiểm tra thông quan còn chậm, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa, đặc biệt là nông sản. Ảnh: Phan Hậu

Nhận định này được ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu tại Hội nghị Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong hoạt động xuất nhập khẩu tại 4 tỉnh, thành phố phía Bắc: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên diễn ra vào ngày 2/3, tại Hải Dương.

Vướng mắc thời gian thông quan và chi phí logistics

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của DN trên địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên ước đạt xấp xỉ 46 tỷ USD, chiếm khoảng 12,3% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.

Theo phản ánh của bà Lương Thị Hương, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hải Dương, thủ tục kiểm tra chuyên ngành hiện nay vẫn chưa nhanh gọn, cập nhật thông tin chưa đồng bộ (đã khai hải quan, thông quan điện tử, nhưng đến điểm chốt cuối cùng lại phải mang tờ khai đóng dấu để nộp; đã nộp thuế online, nhưng phải nộp bản chụp cho cơ quan hải quan). Thời gian kiểm tra thông quan vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa, đặc biệt là nông sản. Các thủ tục hành chính còn nhiều điểm chưa thống nhất, đồng bộ giữa các bộ, ngành, cơ quan.

Tiểu vùng kinh tế nói trên kết nối trực tiếp với thị trường xuất khẩu lớn nhất khu vực là Trung Quốc, nhưng theo bà Hương, thường xảy ra ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu, trong khi chưa được đầu tư xây dựng kho lạnh. Chi phí cho lao động tại cảng, giao thông nội địa cao gần gấp đôi so với chi phí cảng biển…

Việc tốn nhiều thời gian thông quan, theo chia sẻ của ông Phạm Ngọc Thức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa với phóng viên Báo Đấu thầu bên lề Hội nghị, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hàng hóa, đặc biệt là nông sản. Ví dụ, lô hàng bưởi của DN lên container từ ngày 24/11/2022, để xuất khẩu sang châu Âu phải mất tới 70 ngày, trong khi Thái Lan xuất lô hàng tương tự chỉ mất chưa đến 40 ngày. Nguyên nhân mất nhiều thời gian như vậy là do DN logistics Việt Nam hiện còn yếu, chưa có kho bãi quy mô lớn, thiếu hệ thống kho lạnh… cũng như chưa đầu tư được những đội tàu lớn, đi thẳng, nên phần lớn việc vận chuyển hàng hóa phải thuê hãng tàu nước ngoài.

Bên cạnh đó, việc hợp tác giữa các địa phương trong khu vực, theo ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển giao thông vận tải, nhìn chung chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp khiến chi phí vận tải và logistics chưa thực sự hợp lý trên hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Do khả năng kết nối còn hạn chế nên hầu hết các công trình hạ tầng mới chỉ phát huy vai trò tập kết, lưu trữ tạm thời hoặc trung chuyển, chưa phát huy hết vai trò tạo thuận lợi cho sự gắn kết các phương thức vận tải như một chuỗi liên hoàn.

Chi phí logistics tăng còn do việc kết nối hạ tầng tồn tại nhiều bất cập. Các loại hình kết nối như đường bộ với đường sông, đường sắt với đường biển, hàng không… chưa thuận lợi, thậm chí bị hạn chế tải trọng.

Chung tay cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Để giảm chi phí logistics cho DN xuất nhập khẩu trong tiểu vùng, ông Chung gợi ý, DN có thể xem cảng cạn là cánh tay nối dài logistics nội địa, gom hàng từ các khu công nghiệp tới cảng biển, trong khi chờ cải thiện các tuyến đường kết nối nhanh lên cửa khẩu, giảm ùn tắc tại các cảng biển, đầu tư đồng bộ các tuyến đường kết nối như đường vào ga đường sắt, đường vào cảng đường sông…

Muốn cạnh tranh được với hàng hóa nước ngoài, ông Đặng Thế Phương, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải Hải Phòng cho rằng, phải tiết giảm tối đa chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trong hoạt động thông quan. Hiện một số mặt hàng vẫn có 2 - 3 bộ, ngành quản lý (Bộ Y tế, Bộ Công Thương, thậm chí cả Bộ Khoa học và Công nghệ). DN có nhiều lô hàng đã ổn định về chất lượng trong nhiều năm nhưng vẫn bị soi chiếu, trong khi không phải cảng nào cũng có máy soi. Tỷ lệ 4% hàng hóa trong 14,5 triệu tờ khai phải soi chiếu (luồng đỏ) là rất lớn.

“Mặc dù theo quy định 4% hàng hóa có tờ khai hải quan phải kiểm tra trực quan, nhưng không có nghĩa là phải kiểm tra tất cả hàng hóa của lô hàng, việc soi chiếu bao nhiêu phụ thuộc vào mức độ tuân thủ của DN đó”, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định. Nếu gặp tình trạng như vậy, ông Cường khuyến nghị, các DN cần làm việc trực tiếp với cơ quan hải quan, phản ánh với Tổng cục Hải quan để thanh, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ công chức hải quan. Đối với những DN có hoạt động xuất nhập khẩu chuyên nghiệp, có thể đăng ký làm đại lý thực hiện thủ tục hải quan để được ưu tiên trong thông quan.

Để tạo thuận lợi cho DN, ông Phương cho rằng, Chính phủ cần sớm thống nhất một mối về quản lý nhà nước trong các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Nhưng để làm được điều này, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế thuộc VCCI cho rằng, một mình cơ quan hải quan không thể giải quyết được, cần có sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương. Do đó, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hơn nữa theo tinh thần thực sự vì DN.

Chuyên đề