Doanh nghiệp xuất khẩu đón đơn hàng mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2023 được dự báo tiếp tục là một năm nhiều khó khăn, thách thức với nền kinh tế đất nước, nhất là đối với doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK). Song một tín hiệu đáng mừng là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều DN liên tiếp chia sẻ tin vui đón thêm các đơn hàng mới. Với tín hiệu này, kỳ vọng mục tiêu tổng kim ngạch XK năm 2023 tăng khoảng 6% sẽ không quá thách thức.
Theo báo cáo của S&P Global, một trong những điểm tích cực trong tháng 1/2023 là số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới lần đầu tiên tăng trở lại trong 3 tháng qua. Ảnh: Tiên Giang
Theo báo cáo của S&P Global, một trong những điểm tích cực trong tháng 1/2023 là số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới lần đầu tiên tăng trở lại trong 3 tháng qua. Ảnh: Tiên Giang

Dồn dập đơn hàng xuất khẩu

Đơn hàng XK đầu tiên của năm 2023 vừa được Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát thực hiện là sản phẩm thép thanh vằn, mác thép Grade 60 - Aircooled, sản xuất theo tiêu chuẩn Mỹ - ASTM A615/A615M-14 để XK sang khu vực châu Mỹ. Tiếp đó là đơn hàng sản phẩm thép dây cuộn với mác thép từ SAE1006 đến SAE1021, tiêu chuẩn ASTM A510/A510M - 13 cũng được Hòa Phát XK vào thị trường này.

Thông tin tích cực trên được đại diện Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ trong những ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023. Theo Hòa Phát, cùng với các đơn hàng mới XK vào thị trường châu Mỹ, những ngày đầu năm 2023, Hòa Phát đón tín hiệu vui với nhiều đơn hàng XK vào các thị trường khác như: Malaysia, Hồng Kông, Campuchia, Australia…

Trước đó, trong tháng 12/2022, Hòa Phát đã ký kết hợp đồng XK lô hàng 10.000 tấn thép dây cuộn sang châu Âu. Dự kiến, lô hàng này sẽ được XK sang thị trường Bỉ trong tháng 2 tới.

Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) kỳ vọng, tình hình sản xuất kinh doanh của các DN ngành thép năm nay sẽ bớt khó khăn hơn năm 2022.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group phấn khởi cho biết, trong tháng 1, lượng đơn hàng mới của Phúc Sinh tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, ngay ngày đầu tiên đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Công ty đã xuất 20 container hàng nông sản gồm cà phê, hạt tiêu, hồi, quế sang một số thị trường theo đúng tiến độ đã thỏa thuận với các đối tác.

Về phía DN gạo, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, Trung An đã ký kết đơn hàng giao trong năm 2023 lên đến 30.000 tấn gạo các loại. Đặc biệt, thương nhân tại thị trường Mỹ đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty để phân phối gạo thơm và bún, phở mang thương hiệu Trung An trên đất Mỹ.

Chưa tiết lộ về tình hình đơn hàng XK gạo năm 2023 của Công ty CP Tập đoàn Tân Long - Đồng Tháp, song ông Nguyễn Chánh Trung, Giám đốc DN này cho hay, DN đang thực hiện nhiều giải pháp để tiếp tục thúc đẩy sản xuất, tham gia đấu thầu XK gạo vào các thị trường quốc tế…

Trong lĩnh vực dệt may, một số DN chia sẻ, mặc dù dự báo tình hình sản xuất kinh doanh năm 2023 có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đến thời điểm này, đơn hàng XK đã có dấu hiệu tích cực hơn so với thời điểm cuối năm 2022.

Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 1/2023 vừa được S&P Global công bố sáng 1/2 cũng cho thấy, một trong những điểm tích cực trong tháng 1 là số lượng đơn đặt hàng XK mới lần đầu tiên tăng trở lại trong 3 tháng qua.

Củng cố thành quả, thúc đẩy xuất khẩu bền vững

Tại Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023 do Bộ Công Thương tổ chức, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, năm 2023, XK hàng hóa của Việt Nam chịu thách thức gấp nhiều lần năm trước, do lạm phát ở một số quốc gia tăng cao, nhu cầu tiêu dùng giảm; ở trong nước, tỷ giá, lãi suất đều tăng.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ và các thương vụ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, tập trung vào các thị trường trọng điểm, đặc biệt khai thác các thị trường/khu vực đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam… DN XK phải nắm bắt nhanh thông tin để điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp nhu cầu của thị trường. Đồng thời, nghiên cứu, tăng sản lượng thu mua từ nguồn cung trong nước với những mặt hàng có giá nhập khẩu tăng cao, có phương án thay thế thị trường thích hợp... nhằm giữ được thành quả XK và đạt được tốc độ tăng trưởng ít nhất 6,5% trong năm nay.

Cũng tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển lưu ý, xu hướng sử dụng các sản phẩm xanh, tái chế, thân thiện với môi trường, bền vững, tái sử dụng sẽ tiếp tục được ưa chuộng tại các thị trường. DN XK cần chú ý đến vấn đề này để thúc đẩy XK theo hướng bền vững hơn, từ đó khai thác tốt các cơ hội.

Trên thực tế, Hòa Phát đã đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại, khép kín sản xuất thép từ quặng theo công nghệ lò cao, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của đối tác nước ngoài và có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Nhiều DN dệt may, nông nghiệp cũng thực hiện các giải pháp xanh hóa sản xuất, thúc đẩy XK xanh.

Với các động thái này, một số chuyên gia thương mại kỳ vọng, XK năm 2023 sẽ tiếp tục khởi sắc.

Chuyên đề