Doanh nghiệp xi măng chưa thấy “cửa sáng”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kết thúc quý đầu năm, nhiều doanh nghiệp xi măng lớn ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm, thậm chí thua lỗ. Khó khăn của ngành xi măng được dự báo tiếp tục kéo dài trong bối cảnh tiêu thụ nội địa giảm, xuất khẩu không khả quan và giá điện tăng.
Kết thúc quý đầu năm, nhiều doanh nghiệp xi măng lớn ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm, thậm chí thua lỗ. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Kết thúc quý đầu năm, nhiều doanh nghiệp xi măng lớn ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm, thậm chí thua lỗ. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2023, Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn cho biết, dư cung xi măng tiếp tục ở mức cao, tiêu thụ trong nước gần như không tăng. Thị trường xuất khẩu đối diện với hàng loạt yếu tố không thuận lợi như các nước nhập khẩu xi măng, clinker chính của Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, dựng hàng rào kỹ thuật thương mại, Trung Quốc chưa gia tăng nhu cầu nhập khẩu clinker. Sản lượng tiêu thụ xi măng quý I/2023 của Công ty giảm 126.792,58 tấn so với cùng kỳ năm ngoái dẫn tới doanh thu bán hàng sụt giảm 11,4%, đạt 652,8 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, Vicem Bút Sơn lỗ tới 15,128 tỷ đồng.

Ngoài Vicem Bút Sơn, nhà cung cấp xi măng lớn cho khu vực phía Nam là Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên 1 cũng báo lỗ 75,7 tỷ đồng trong quý đầu năm. Doanh thu sụt giảm cùng với chi phí lãi vay, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp tăng là nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của Hà Tiên 1 không như kỳ vọng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra cuối tháng 4/2023, ông Lưu Đình Cường, Tổng giám đốc Vicem Hà Tiên 1 nhận xét, thị trường xi măng 6 tháng đầu năm 2023 hết sức khó khăn. Riêng quý I, tình hình tiêu thụ xi măng cả miền Nam giảm 25%. Tháng 4 những năm trước đây, nhu cầu xây dựng rất lớn, nhưng hiện nay rất yếu. Dự báo 6 tháng cuối năm tiêu thụ xi măng sẽ khởi sắc nhờ Chính phủ có nhiều giải pháp tháo gỡ thị trường bất động sản, tiền tệ, giúp nguồn vốn được khơi thông...

Tình hình tiêu thụ khó khăn cũng khiến nhiều doanh nghiệp xi măng khác ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm. Đơn cử, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (Vicem Bỉm Sơn) công bố doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý I/2023 giảm 28,2%, đạt 848 tỷ đồng, lỗ sau thuế 48,6 tỷ đồng. Công ty CP Xi măng La Hiên VVMI ghi nhận doanh thu sụt giảm 16%, lợi nhuận sau thuế 0,4 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) tại Hội nghị sơ kết công tác sản xuất kinh doanh quý I/2023 cho biết, thị trường xi măng trong nước vẫn gặp khó khăn do nhu cầu xi măng thấp, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục, các công trình, dự án chậm triển khai, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm… Bên cạnh đó, nguồn cung xi măng tiếp tục vượt cao so với nhu cầu (nguồn cung xi măng trong năm 2023 dự báo khoảng 117,8 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước dự báo chỉ từ 68 - 68,5 triệu tấn) dẫn tới cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Về thị trường xuất khẩu, Philippines điều chỉnh tăng mức thuế chống bán phá giá đối với xi măng nhập khẩu từ Việt Nam và dự kiến chính thức áp thuế vào đầu quý II/2023; nhu cầu nhập khẩu xi măng, clinker của Trung Quốc chưa tăng trở lại; giá xuất khẩu xi măng, clinker ở mức thấp do các nhà xuất khẩu cạnh tranh quyết liệt; cước tàu biển đang tăng cao (từ 4 - 5 USD/tấn) kể từ tháng 3/2023.

Ngoài ra, việc giá điện tăng từ ngày 4/5/2023 sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xi măng, bởi chi phí điện chiếm khoảng 10 - 15% giá thành sản xuất xi măng. Việc giá điện tăng thêm 3% ước tính sẽ khiến tổng lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp xi măng giảm 13%.

Yếu tố tích cực đối với ngành xi măng hiện nay là giá than - chiếm hơn 40% giá thành sản xuất xi măng - đã về mức thấp nhất kể từ tháng 1/2022. Theo dữ liệu của Trading Economics, đầu tháng 5/2023, giá hợp đồng tương lai than tiêu chuẩn Newcastle giao dịch trên Sàn liên lục địa (Intercontinental Exchange) và Sàn giao dịch hàng hóa New York (New York Mercantile Exchange) đã giảm xuống quanh mức 169,65 USD/tấn. So với mức đỉnh 457,8 USD/tấn thiết lập đầu tháng 9/2022, giá hợp đồng tương lai than tiêu chuẩn Newcastle đã giảm 63%. Còn so với mức giá 404,15 USD/tấn đầu năm nay, giá than đã giảm 58%. Đà giảm của giá than được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất xi măng cải thiện biên lợi nhuận, sau thời gian gặp nhiều khó khăn do xu hướng tăng giá của loại nhiên liệu chính này.

Chuyên đề