Doanh nghiệp xây lắp kỳ vọng nguồn việc dồi dào năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong năm 2024, việc Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công trong các lĩnh vực hạ tầng sẽ là cơ sở để các nhà thầu xây lắp kỳ vọng đón nhận nguồn công việc dồi dào.
Doanh thu mảng xây lắp đem lại kết quả kinh doanh khả quan cho nhiều nhà thầu lĩnh vực hạ tầng giao thông trong năm 2023. Ảnh: Lê Tiên
Doanh thu mảng xây lắp đem lại kết quả kinh doanh khả quan cho nhiều nhà thầu lĩnh vực hạ tầng giao thông trong năm 2023. Ảnh: Lê Tiên

Kết quả kinh doanh phân hóa

Kết thúc năm 2023, Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả ước tính doanh thu đạt 2.560 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế ước đạt 370 tỷ đồng, tăng 24% và vượt 9% kế hoạch. Kết quả này một phần đến từ tăng trưởng doanh thu của mảng thu phí BOT nhờ lưu lượng phương tiện giao thông tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng khả quan với việc trúng thầu thêm nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn.

Cụ thể, trong năm 2023, các liên danh mà Công ty là thành viên đã trúng các gói thầu xây lắp tại một số dự án như cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (Gói thầu XL1, quy mô 3.800 tỷ đồng); nâng cấp mở rộng đèo Prenn (550 tỷ đồng); đường ven biển Bình Định (1.081 tỷ đồng); đường ven biển nối cảng Liên Chiểu (1.203 tỷ đồng)…

Số liệu doanh thu mảng xây lắp của đa số nhà thầu lớn trong 9 tháng đầu năm 2023 đều ghi nhận tăng trưởng. Trong đó, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng (Vinaconex) tăng 21%, Công ty CP Tập đoàn Cienco 4 (Cienco 4) tăng 14,2%, Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương tăng 25,2%, Công ty CP Lizen tăng 60%… Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp mảng xây lắp của nhiều đơn vị đạt mức tăng trưởng cao, bù đắp cho tình hình khó khăn của nhiều mảng kinh doanh khác.

Trái với sự khởi sắc về kết quả kinh doanh của các nhà thầu xây lắp trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, năm 2023 được xem là năm nhiều khó khăn với nhóm nhà thầu xây lắp điện. Theo đó, việc chậm tiến độ trong vấn đề quy hoạch điện, cơ chế giá mua bán cho các dự án điện tái tạo cùng khó khăn về nguồn vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ triển khai nhiều dự án, làm ảnh hưởng kết quả kinh doanh của nhiều nhà thầu.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, Công ty CP Tập đoàn PC1 (PCC1) báo doanh thu mảng xây lắp giảm 56%, lợi nhuận gộp giảm 48% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng công ty CP Xây dựng điện Việt Nam (VNECO) ghi nhận doanh thu hoạt động xây dựng giảm 75% so với 9 tháng đầu năm 2022, trong khi Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 2 (TV2) báo doanh thu hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 49%…

Kỳ vọng từ vốn đầu tư công năm 2024

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình kế hoạch dự chi ngân sách cho đầu tư năm 2024. Trong đó, dự toán chi đầu tư phát triển là 677.300 tỷ đồng, tăng 108.000 tỷ đồng so với dự toán năm 2023. Ngay đầu năm 2024, nhiều dự án hạ tầng giao thông được các doanh nghiệp khởi công, từ đó tiếp tục đem lại triển vọng nguồn công việc dồi dào cho các doanh nghiệp xây lắp trong lĩnh vực này.

Ngày 1/1/2024, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức khởi công xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) có chiều dài 93 km, tổng mức đầu tư giai đoạn một hơn 14.330 tỷ đồng. Đây là dự án do Liên danh Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - Công ty CP Xây dựng công trình 568 làm Chủ đầu tư.

Tại Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1), vào ngày 7/1/2024 đã tổ chức Lễ động thổ Gói thầu Xây lắp số 12 có tổng mức đầu tư khoảng 2.100 tỷ đồng, thuộc Dự án thành phần 4 - Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Cũng trong ngày 7/1, CC1 động thổ Gói thầu XL3 có tổng giá trị hơn 1.852 tỷ đồng, thuộc Dự án thành phần 5 Xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM.

Tại Công ty CP Tập đoàn FECON, trong tháng 12/2023, FECON và các liên danh mà nhà thầu này là thành viên thông báo trúng hàng loạt gói thầu tại một số dự án như đầu tư khu bến Phoenix - cảng Vũng Áng (bến số 5 & 6) trị giá hơn 1.000 tỷ đồng; xây dựng cầu vượt đường sắt kết nối Quốc lộ 1A với đường Lê Duẩn, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam trị giá 230 tỷ đồng.

Với nhóm doanh nghiệp xây lắp điện, các nhà thầu đang kỳ vọng rất lớn với Dự án Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối. Dự án có chiều dài 514 km, tổng mức đầu tư gần 1 tỷ USD, bao gồm 4 dự án thành phần với khoảng 200 gói thầu được đồng loạt triển khai, nhằm đưa công trình về đích trong tháng 6/2024. Theo Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, trong ngày 6/1/2024, có tới 118 gói thầu thuộc 2 dự án thành phần là đoạn Quỳnh Lưu - Thanh Hóa và đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu được tiến hành đóng/mở thầu.

Công ty Chứng khoán MBS đánh giá, khối lượng công việc lớn đến từ dự án điện này có thể đóng góp đáng kể vào doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp có năng lực và có thể đảm nhận các công việc cung cấp nguyên vật liệu, tư vấn, thiết kế, giám sát, thi công xây lắp cho Dự án như PCC1, VNECO, TV2, Tổng công ty CP Công trình Viettel (Viettel Construction)...

Theo báo cáo về giải ngân vốn kế hoạch năm 2023 của Bộ Tài chính, lũy kế thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2023 đạt 449,5 nghìn tỷ đồng, đạt 56,98% kế hoạch. Kết quả giải ngân 12 tháng ước đạt 73,5% kế hoạch năm 2023. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải - cơ quan được giao vốn đầu tư công cao nhất cả nước trong năm 2023 với 114.000 tỷ đồng - đạt tỷ lệ giải ngân 86,08%.

Trong năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã khởi công 18 dự án đường bộ, 2 dự án đường thủy, 3 dự án đường sắt, 2 dự án hàng hải và 1 dự án cải tạo trụ sở Bộ. Trong đó, có nhiều dự án trọng điểm quốc gia như 12 dự án thành phần thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; đường Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; công trình nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất... Đây chính là cơ sở để các doanh nghiệp xây lắp đón nhận nguồn công việc dồi dào và cải thiện kết quả kinh doanh.

Chuyên đề