Doanh nghiệp xây dựng đối mặt khó khăn kép

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2021, doanh nghiệp xây dựng phải đối phó với khó khăn kép: chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 như tất cả các ngành nghề khác, đồng thời còn phải chống đỡ hai cơn bão giá vật liệu tăng cao chưa từng có. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp này gần như vẫn tự chống đỡ và đang rất kỳ vọng có sự tháo gỡ để nhanh chóng phục hồi, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng chỉ đạt khoảng 75 - 80% chỉ tiêu kế hoạch về doanh thu, giá trị sản lượng của năm 2021. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng chỉ đạt khoảng 75 - 80% chỉ tiêu kế hoạch về doanh thu, giá trị sản lượng của năm 2021. Ảnh: Lê Tiên

Tháo gỡ khó khăn do bão giá

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), những biến động về giá vật liệu năm 2021 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả sản xuất, kinh doanh của các nhà thầu. Qua số liệu của một số doanh nghiệp lớn trong ngành như Delta, Fecon, Vinaconex thì dù rất cố gắng, nỗ lực để lấy lại thời gian đã mất do giãn cách, nhưng hầu hết chỉ đạt khoảng 75 - 80% chỉ tiêu kế hoạch về doanh thu, giá trị sản lượng của năm 2021. Có những đơn vị sụt giảm nhiều, doanh số xây lắp năm 2021 chỉ bằng 50 - 60% của năm 2020. “Các nhà thầu khó tìm việc, nhưng nhiều nhà thầu còn không dám nhận việc vì không có biện pháp đối phó với bão giá”, ông Hiệp cho biết.

Chủ tịch VACC khuyến nghị cần có biện pháp cụ thể để giúp nhà thầu chống đỡ với cơn bão giá vật liệu xây dựng. Trong đó, cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra việc thông báo cập nhật đơn giá của các địa phương để giảm thiểu thiệt hại cho nhà thầu vì việc công bố thường chậm và lạc hậu so với đơn giá thực tế, có nơi thấp hơn đến 10%. Một số vật liệu không có nguồn gốc nước ngoài nhưng vẫn bị tăng giá, cần tìm ra nguyên nhân và có hướng xử lý cụ thể. Ngoài ra, Bộ Xây Dựng cũng cần có giải pháp tháo gỡ cho các hợp đồng trọn gói, hợp đồng đơn giá cố định chịu tác động tăng giá quá lớn thời gian qua và chỉ áp dụng hợp đồng thi công xây lắp theo đơn giá cố định hoặc hợp đồng trọn gói nếu thời gian thực hiện không quá 24 tháng.

Theo bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam, hiện nay các quy định pháp luật về sự cố bất khả kháng chưa rõ ràng, không đầy đủ biện pháp giải quyết như nhiều nước trên thế giới; các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, rủi ro hợp đồng… không có trường hợp “dịch bệnh” như Covid-19. Vì thế nếu không quy định bổ sung hoặc hướng dẫn sẽ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân khi xem xét giải quyết vấn đề này, nhất là đối với loại hợp đồng trọn gói, theo đơn giá cố định. Bà Duyên đề nghị sửa đổi, bổ sung các nội dung, chi phí liên quan công tác phòng, chống và khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh như Covid-19 (nếu có), chi phí chuyên gia tư vấn, nhân công do tạm ngừng công việc cho các bên tham gia dự án vào chi phí trực tiếp hoặc chi phí chung trong phương pháp tính dự toán xây dựng, thanh toán hợp đồng xây dựng. Đồng thời, cần có hướng dẫn về việc bổ sung chi phí trực tiếp (vật liệu, nhân công) tại các dự án, công trình xây dựng bị ảnh hưởng của dịch bệnh và đang đối mặt với việc tăng giá đầu vào quá lớn; điều chỉnh thời hạn hoàn thành công trình chịu ảnh hưởng của Covid-19 (nếu có) nhằm tránh cho nhà thầu xây dựng, nhà thầu tư vấn xây dựng bị phạt hợp đồng hoặc bồi thường thiệt hại...

Xử lý cả khó khăn muôn thuở

Ngoài những khó khăn do dịch bệnh và tăng giá, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, vấn đề khó khăn muôn thuở của doanh nghiệp xây dựng là thanh toán của các chủ đầu tư. Bình thường việc thanh toán của các chủ đầu tư đã luôn chậm trễ, nhưng hiện nay do dịch bệnh, mạch tài chính bị đứt gãy cộng với việc siết chặt tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước khiến nhiều chủ đầu tư bị tắc dòng tiền, không vay được ngân hàng để thanh toán. Có những nhà thầu đang bị chủ đầu tư nợ tới vài nghìn tỷ đồng. “Tình hình tài chính của các nhà thầu rất khó khăn. Nhiều nhà thầu đứng trước nguy cơ phá sản, càng làm càng lún sâu vào công nợ”, ông Hiệp cho biết.

Chủ tịch VACC đề nghị sớm sửa đổi nghị định về hợp đồng xây dựng, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm thanh toán của các chủ đầu tư bằng những quy định cụ thể. Theo đó, chủ đầu tư, đặc biệt là các chủ đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước phải có bảo lãnh thanh toán 35% cuối cùng của hợp đồng thi công. Đồng thời cần bổ sung quy định công trình chưa ký được quyết toán giữa chủ đầu tư và nhà thầu thì dứt khoát chưa được phép đưa vào sử dụng để tránh tình trạng công trình đã bàn giao, đưa vào sử dụng vài năm mà hồ sơ quyết toán vẫn chưa được ký.

Tổng công ty CP Vinaconex khuyến nghị công khai kế hoạch giải ngân vốn của chủ đầu tư theo từng tháng/quý/năm, từng hợp đồng, tình trạng giải quyết hồ sơ thanh toán. Xem xét ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác nghiệm thu thanh toán; bổ sung áp dụng chính sách tạm ứng khối lượng hoàn thành, tạm ứng vật liệu dự trữ, cấu kiện bán thành phẩm một cách linh hoạt để hỗ trợ nhà thầu…

Chuyên đề