Mua bán xăng tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Lương Bằng. Ảnh: Phạm Hùng |
Vấn đề đặt ra là mặc dù liên tục kêu lỗ nhưng báo cáo tài chính hàng năm của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho thấy, doanh nghiệp thu lãi “khủng” trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Giá xăng tăng 243 đồng/lít
Cùng với giá xăng Ron 92 tăng, giá xăng sinh học E5 cũng tăng 239 đồng/lít; dầu diesel 0,05S tăng 277 đồng/lít; dầu hỏa tăng 192 đồng/lít; dầu mazút 3,5S tăng 290 đồng/kg. Cũng tại công văn đồng ý điều chỉnh giá bán, liên Bộ yêu cầu giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn giá đối với xăng khoáng và các mặt hàng dầu là 300 đồng/lít. Tuy nhiên, việc sử dụng Quỹ bình ổn có thay đổi. Trong khi xăng khoáng và E5 có mức chi lần lượt là 639 đồng/lít và 672 đồng/lít (không đổi so với kỳ điều chỉnh ngày 20/4), thì dầu diesel có mức mới là 846 đồng/lít thay vì 560 đồng/lít như cũ. Dầu hỏa cũng có mức chi mới là 1.029 đồng/lít từ mức 878 đồng/lít; dầu mazút có mức chi tăng từ 0 đồng/kg lên 323 đồng/kg.
Báo cáo của Petrolimex cho thấy, trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu (15 giờ ngày 20/5), ước Quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp này còn dư 1.800 tỷ đồng. Như vậy, so với thời điểm công bố gần đây nhất (ngày 5/5), Quỹ bình ổn của Petrolimex giảm 155 tỷ đồng (từ 1.955 tỷ đồng). Sau khi áp dụng Quỹ bình ổn, xăng Ron 92 sẽ có mức giá trần là 15.829 đồng/lít; xăng E5: 15.315 đồng/lít; dầu diesel 0,05S: 11.300 đồng/lít; dầu hỏa: 9.647 đồng/lít; dầu mazút 3,5S: 8.150 đồng/kg.
Theo lý giải của Bộ Công Thương, việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu là do giá thành phẩm xăng dầu thế giới thời gian gần đây có xu hướng tăng. Cụ thể, bình quân 15 ngày qua, giá thành phẩm xăng Ron 92 là 54,874 USD/thùng, cao hơn khoảng 1,2 USD/thùng so với kỳ lần trước; dầu diesel 0,05S là 53,734 USD/thùng, cao hơn khoảng 1,7 USD/thùng; dầu hỏa: 53,697USD/thùng, tăng 1,234 USD/thùng; dầu mazút: 220,875 USD/thùng, tăng 11,694 USD/thùng.
Doanh nghiệp lãi nhưng vẫn kêu lỗ
Vào thời điểm trước khi liên Bộ điều chỉnh tăng giá xăng dầu, các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối “than vãn” rằng, với giá nhập khẩu xăng dầu hiện tại, mỗi lít xăng bán lẻ ra thị trường, doanh nghiệp lỗ khoảng 200 - 300 đồng.
Thế nhưng, theo báo cáo tài chính quý I/2016, tổng doanh thu thuần hợp nhất (của tất cả các đơn vị thành viên Petrolimex trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, gas, dầu mỡ nhờn, vận tải xăng dầu, thiết kế, cơ khí, xây lắp, bảo hiểm…) đạt 27.540 tỷ đồng, bằng 72,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lợi nhuận trước thuế của Petrolimex trong quý I/2016 đạt 1.371 tỷ đồng, tăng 146% so với cùng kỳ (quý I/2015, lợi nhuận trước thuế của tập đoàn này là 576 tỷ đồng). Bóc tách riêng khoản lợi nhuận trước thuế hoạt động kinh doanh xăng dầu của Petrolimex quý I/2016 đạt 658 tỷ đồng, tương đương 47,9% tổng lợi nhuận hợp nhất. Tỷ lệ này năm 2015 là 52,8%. Petrolimex lý giải doanh thu giảm do giá dầu thô thế giới bình quân quý I/2016 là 33,63 USD/thùng, giảm 30,8% so với mức 48,57 USD/thùng bình quân quý I/2015.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy Petrolimex đang lãi cao nhờ lợi nhuận định mức 300 đồng/lít, với tổng khối lượng xăng dầu xuất bán lên tới hàng triệu lít, chiếm 50% thị phần trên thị trường là một con số không nhỏ. Thêm vào đó, do là doanh nghiệp còn ở vị trí thống lĩnh thị trường nên dù thị trường xăng dầu đã có sự tham gia của 22 doanh nghiệp đầu mối, nhưng các doanh nghiệp khác đều “nhìn” vào Petrolimex để “ăn theo”. Cụ thể như chi phí kinh doanh, mức trích hoa hồng đại lý. Điều đó cho thấy trong thời gian tới, ngành chức năng nên làm rõ việc Petrolimex có tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất, hiệu suất lao động hay không từ đó để giảm giá xăng dầu, hài hòa lợi ích với người tiêu dùng.