Doanh nghiệp vững mạnh, Quốc gia mới hùng cường và thịnh vượng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong thời gian tới, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cần ưu tiên, tham gia tích cực, góp phần ngày càng quan trọng vào thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng cơ chế, chính sách trên tinh thần xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Đại hội đại biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Đại hội đại biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Yêu cầu này được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra tại Đại hội đại biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (vừa đổi tên từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) diễn ra ngày 31/12.

Năm 2021, trong bối cảnh tình hình kinh tế hết sức khó khăn, nhưng tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam vẫn đạt được con số kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay, gần 670 tỷ USD, tăng hơn 22% so với 2020.

Theo Thủ tướng, đây là một sự nỗ lực, cố gắng lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần vượt khó, nỗ lực thích ứng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm và thu nhập cho người lao động. Và điều này đã được “Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp, doanh nhân đối mặt”.

Về kế hoạch nhiệm kỳ tới, Thủ tướng cơ bản tán thành 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá lớn mà văn kiện Đại hội của VCCI đã đề ra.

Tuy nhiên, trong bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều biến động, thiên tai, dịch bệnh, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, nhiều khó khăn, thách thức hiện nay, nhiệm vụ đặt ra cho VCCI ngày càng lớn.

Trong đó, Thủ tướng nêu rõ, môi trường kinh doanh, khung khổ thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật luôn là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế.

Tại Đại hội, Thủ tướng đánh giá, trong thời gian qua, VCCI - tổ chức đại diện cho trên 200.000 doanh nghiệp hội viên (tăng hơn 70% so với thời điểm năm 2015) đã chủ động tham gia xây dựng và hoàn thiện các chính sách quan trọng với doanh nghiệp; thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua nghiên cứu, công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững (CSI)…

Bên cạnh việc tiếp thu và kế thừa những kết quả đạt được, trong thời gian tới, VCCI cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, góp phần cùng Chính phủ cải thiện thể chế, nâng cấp môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta lên nhóm các quốc gia đứng đầu khu vực. Để đạt được các mục tiêu phát triển trên, không chỉ sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nước ta phải cạnh tranh được với sản phẩm, hàng hóa của các nước khác, còn phải cạnh tranh với các quốc gia khác về chất lượng pháp luật, thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách sự chuyên nghiệp của bộ máy chính quyền các cấp.

Bên cạnh đó, Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị VCCI triển khai có hiệu quả các chương trình tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển vững mạnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế, áp dụng các tiêu chuẩn quản trị hiện đại, tích cực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, đổi mới chiến lược và mô hình kinh doanh, tăng năng suất lao động để nâng cao vị trí của doanh nghiệp, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chủ động nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, quan tâm hơn đến phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp; quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, xây dựng và củng cố quan hệ lao động bền vững, hài hòa.

Đồng thời, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, xử lý và hỗ trợ khi có các tranh chấp trong quá trình hoạt động; thúc đẩy liên kết, hợp tác với các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài. “Chính phủ là chủ thể ký kết nhưng doanh nghiệp mới chính là chủ thể thực hiện và hưởng lợi từ các FTA này”, Thủ tướng nhận định.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý: “Chúng ta không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Vì vậy, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân có tính quyết định. Chúng ta quán triệt tinh thần này. Lớn mạnh nhưng phải vững mạnh, nhanh nhưng phải bền vững”.

Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, VCCI đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm:

- Chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh;

- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp;

- Tăng cường hoạt động kết nối, hỗ trợ phát triển hiệp hội doanh nghiệp và hội viên;

- Phát triển đội ngũ doanh nhân; iên phong thúc đẩy xây dựng hóa kinh doanh Việt Nam;

- Tăng cường kết nối và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế;

- Đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của VCCI.

VCCI cũng xác định 3 đột phá gồm:

- Tham gia sâu hơn và hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh;

- Tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa của doanh nhân Việt Nam trở thành nền tảng tinh thần, mục tiêu và động lực phát triển của doanh nghiệp;

- Thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, đổi mới chiến lược và mô hình kinh doanh.

Chuyên đề