Ảnh Internet |
Chi phí không chính thức vẫn tăng
Ông Đặng Thái Thiện (Phó Trưởng phòng Phòng Giám sát quản lý thuộc Cục Hải quan TP.HCM) cho biết, DN thời gian qua vẫn kêu ca rất nhiều về thủ tục hành chính (TTHC), nhất là kiểm tra chuyên ngành, đối với hàng hoá xuất nhập khẩu. Thực tế, khoảng 35% hàng hoá nhập khẩu hiện nay là phải kiểm tra chuyên ngành. DN phản ánh, đó là một gánh nặng rất lớn đối với họ. Chưa kể, những chi phí thực sự phải trả lớn hơn rất nhiều so với chi phí tuân thủ TTHC.
Đơn cử như việc kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm trong sản phẩm dệt may theo quy định tại Thông tư 37/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương (vừa được bộ này bãi bỏ, có hiệu lực từ 26/11/2016), theo ông Đặng Thái Thiện, đã làm giảm đi cơ hội kinh doanh của DN. Trong khi đó, kết quả khảo sát cho thấy, 7 năm qua, riêng với việc kiểm tra này, chỉ có một tỷ lệ nhỏ lô hàng không đạt hàm lượng quy định.
Kết quả khảo sát mới công bố của Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện do USAID (GIG) thực hiện cho thấy, chi phí quản lý, kiểm tra chuyên ngành không giảm. Thậm chí, các chi phí không chính thức có biểu hiện tăng hơn trước.
Rất khó điều tra được tổng chi phí mà các DN phải chi trả, nhưng có thể ước tính ở mức tối thiểu từ số liệu của Cục Hải quan TP.HCM hồi năm ngoái với khoảng 56.270 tờ khai hàng nhập khẩu phải kiểm dịch; 132.356 tờ khai kiểm tra an toàn thực phẩm; 407.802 tờ khai kiểm tra chất lượng; 234.058 tờ khai xin giấy phép và các loại giấy tương tự. Tổng cộng, năm 2015, tại Hải quan TP.HCM có 830.486 lô hàng nhập khẩu phải làm thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
Theo khảo sát bằng phiếu của Dự án GIG năm 2015 và 2016, mức chi phí kiểm tra chuyên ngành tối thiểu cho một tờ khai như sau: phí kiểm dịch là 200.000 đồng, kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm là 2 triệu đồng… Như vậy, tổng số chi phí cho thực hiện 3 loại thủ tục kiểm tra chuyên ngành nói trên đối với hàng hoá nhập khẩu làm thủ tục tại Hải quan TP.HCM hồi năm ngoái đã là 1.091 tỷ đồng.
Nên sớm thay đổi
Thông thường, lượng tờ khai xuất nhập khẩu của Hải quan TP.HCM chiếm khoảng 40% - 50% tổng số tờ khai toàn quốc, nhưng do cảng và sân bay ở TP.HCM lớn nhất cả nước nên tỷ lệ hàng hoá thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành cao hơn các nơi khác.
Vì vậy, chỉ tạm tính số lượng tờ khai thuộc diện kiểm tra chuyên ngành phát sinh ở tất cả 32 đơn vị hải quan tỉnh, thành phố còn lại tối thiểu là 50% của TP.HCM thì tổng chi phí cho 3 loại kiểm tra chuyên ngành trên (kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng) trong cả nước là khoảng 1.636 tỷ đồng/năm. Về thời gian, chỉ tính thời gian tối thiểu để hoàn thành thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành cho một lô hàng là 2 ngày, tính cả nước, các DN đã phải mất 3.321.944 ngày.
Giới chuyên gia khuyến nghị, nên sớm thay đổi phương thức kiểm tra chuyên ngành, chuyển từ phương thức kiểm tra từng lô hàng sang phương thức quản lý rủi ro, kiểm tra trên cơ sở đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật quản lý chuyên ngành của chủ hàng. Theo đó, hàng hoá của DN có quá trình tuân thủ pháp luật tốt sẽ được miễn kiểm tra chuyên ngành hoặc áp dụng hình thức kiểm tra giảm (chỉ kiểm tra hồ sơ).
Như kết quả của nhiều cuộc khảo sát trong những năm gần đây, hầu hết các lô hàng xuất nhập khẩu đều đạt mức quy định, chỉ có chưa tới 1% lô hàng không đạt. Hay nói cách khác, tuyệt đại bộ phận DN tuân thủ tốt pháp luật quản lý chuyên ngành. Nếu áp dụng phương thức kiểm tra này thì hầu hết các lô hàng sẽ thuộc diện được miễn kiểm tra hoặc áp dụng hình thức kiểm tra đơn giản (chỉ kiểm tra hồ sơ), thực hiện ngay tại địa điểm kiểm tra tập trung.