Doanh nghiệp Việt Nam tự tin phát triển điện gió ngoài khơi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việt Nam đang lên kế hoạch để có thể đạt mục tiêu 7GW điện gió ngoài khơi (ĐGNK) vào năm 2030. Đây là lĩnh vực đầu tư mới mẻ với không ít rủi ro, thách thức, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tự tin sẽ làm chủ ngành công nghiệp này nếu Nhà nước sớm có khung khổ chính sách phù hợp.
Điện gió ngoài khơi là giải pháp quan trọng để Việt Nam bảo đảm nguồn cung về năng lượng khi nhu cầu ngày một gia tăng. Ảnh: Quốc Tuấn
Điện gió ngoài khơi là giải pháp quan trọng để Việt Nam bảo đảm nguồn cung về năng lượng khi nhu cầu ngày một gia tăng. Ảnh: Quốc Tuấn

Trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch dần bị hạn chế, với tiềm năng gió dồi dào, ĐGNK sẽ góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong thời gian tới. Thời gian gần đây, không ít ý kiến cho rằng, nếu có giải pháp khai thác tốt thì ĐGNK có thể là giải pháp quan trọng để Việt Nam hóa giải thách thức, bảo đảm nguồn cung về năng lượng khi nhu cầu ngày một gia tăng.

Đồng tình với quan điểm Việt Nam có tiềm năng, cơ hội để phát triển ĐGNK, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là PVN có đủ tự tin để làm chủ ngành công nghiệp này. Theo ông Dũng, qua hơn 60 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, PVN đã tạo dựng được hệ thống hạ tầng lớn, từ kho cảng, nhà xưởng, nhà nổi, giàn khoan khai thác dầu khí trên biển… Quan trọng hơn hết, PVN đã xây dựng được đội ngũ nhân sự chất lượng cao, có năng lực phát triển công nghệ, làm việc với đối tác nước ngoài để phát triển dự án… Về năng lực khảo sát biển, thăm dò biển, địa chất thủy văn..., ông Dũng cũng khẳng định, không có tổ chức nào, doanh nghiệp trong nước nào có thể làm tốt hơn PVN.

Về chế tạo trên bờ, PVN cũng có rất nhiều đơn vị có năng lực. Bằng chứng là Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ khí hàng hải PTSC (đơn vị thành viên của PVN) đã trúng một gói thầu lớn của Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) để chế tạo chân đế cấu kiện cơ khí tại Việt Nam nhưng cho dự án điện gió ngoài khơi tại Đài Loan.

“Đây là minh chứng cho thấy, PVN và các thành viên có đủ năng lực để làm từ khâu đầu đến khâu cuối của một dự án ĐGNK”, lãnh đạo PVN khẳng định.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Vũ Mai Khanh, quyền Tổng giám đốc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro cũng cho rằng, nhà thầu cơ khí Việt Nam đang có cơ hội rất lớn trong việc góp phần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo.

Theo ông Khanh, một trụ điện gió ngoài khơi có trọng lượng khoảng 250 tấn, như một tòa nhà, bao gồm các phần như cơ khí, điện, thủy lực, hệ thống máy lạnh…, cần sự tham gia của nhiều đối tác để hoàn thiện. Đây là cơ hội để các nhà thầu Việt Nam có thể tham gia vào dự án, góp phần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa tại các nhà máy.

Với tham vọng nắm bắt được cơ hội phát triển ĐGNK ở Việt Nam, năm ngoái, Tập đoàn T&T Group của Việt Nam phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và Tập đoàn Orsted ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển thị trường ĐGNK ở nước ta. Theo đó, các đơn vị sẽ nghiên cứu và đề xuất các cơ chế, chính sách; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật nhằm phát triển thị trường ĐGNK của nước ta…

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc T&T Group cho biết, Tập đoàn nghiên cứu thành lập khu công nghiệp hỗ trợ năng lượng tái tạo để kêu gọi đầu tư sản xuất các cấu kiện hàng hóa lớn, các trang thiết bị tại chỗ hướng tới hình thành, mở rộng chuỗi cung ứng nội địa, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu. Đồng thời, Tập đoàn cũng hướng tới việc đi đầu về công nghệ với việc dự kiến đầu tư sản xuất hydrogen để chủ động cho các dự án điện gió quy mô lớn.

Để Việt Nam sớm hiện thực hóa tiềm năng của ĐGNK, đại diện các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sớm ban hành cơ chế chính sách phát triển ĐGNK. Trước mắt có thể áp dụng cơ chế thí điểm với 3 - 4GW đầu tiên, sau đó áp dụng cơ chế đấu thầu để phát triển dự án trong dài hạn.

Sớm có khung khổ chính sách cho phát triển ĐGNK cũng là kiến nghị được Nhóm công tác điện và năng lượng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cũng như nhiều hiệp hội doanh nghiệp quốc tế gửi tới Chính phủ tại VBF 2023 vừa diễn ra với mục tiêu tạo cơ hội cho doanh nghiệp có thể khai thác cơ hội từ ngành công nghiệp này.

Chuyên đề