Doanh nghiệp vận tải biển thắng đậm nhờ giá cước tăng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh nhiều ngành nghề kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19, ngành vận tải biển vẫn tiếp tục được hưởng lợi trong quý III/2021 nhờ giá cước tăng.
Diễn biến chỉ số BDI đo lường mức phí thuê tàu chở nguyên liệu thô
Diễn biến chỉ số BDI đo lường mức phí thuê tàu chở nguyên liệu thô

Tăng “nóng” trong nửa đầu năm, giá cước vận tải biển trên thế giới vẫn tiếp tục hướng tới những đỉnh cao mới trong quý III/2021. Nhìn vào đà tăng của chỉ số BDI (viết tắt của Baltic Dry Index, tạm dịch là “chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic”) do Sở Giao dịch Baltic (Anh) công bố hàng ngày để đánh giá mức phí thuê tàu chở nguyên liệu thô, có thể thấy, tính đến cuối tháng 9, chỉ số BDI ở mức 5.167 điểm, mức cao nhất kể từ giữa năm 2010, tăng 52,7% so với cuối tháng 6/2021. Giá cước vận tải duy trì ở mức cao giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trong quý III/2021.

Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) là một ví dụ điển hình về doanh nghiệp trải qua nhiều năm khó khăn nhưng lại ăn nên làm ra mùa dịch Covid-19. Doanh thu thuần quý III vừa qua của Công ty tăng 31,2% so với cùng kỳ ngoái, đạt 384 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí vốn lại giảm 30% dẫn đến lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 175 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ gộp 8 tỷ đồng. Ngoài ra, trong quý, VOSCO còn ghi nhận khoản lợi nhuận khác 56 tỷ đồng, giúp Công ty lãi sau thuế gần 186 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 21 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng năm 2021, Công ty ghi nhận 964 tỷ đồng doanh thu, gần như đi ngang, trong đó, trên 98% tổng doanh thu đến từ vận tải, còn lại là doanh thu thương mại và dịch vụ (hơn 14 tỷ đồng). Lãi sau thuế đạt hơn 408 tỷ đồng, cách rất xa so với số lỗ 139 tỷ đồng ghi nhận trong 9 tháng đầu năm 2020.

Một doanh nghiệp khác cũng hưởng lợi từ giá cước vận tải là Công ty CP Hàng hải Đông Đô. Doanh thu quý III/2021 của Công ty đạt 86,3 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 19,8 tỷ đồng, trong khi quý III/2020 âm 16,8 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, Hàng hải Đông Đô lãi sau thuế 6,3 tỷ đồng, đây là kết quả kinh doanh tích cực so với mức lỗ 54,8 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An lãi ròng quý III/2021 đạt 100,7 tỷ đồng - mức lợi nhuận theo quý cao nhất kể từ khi Công ty lên sàn chứng khoán, gấp 4,6 lần cùng kỳ năm ngoái. Công ty cho biết, hoạt động kinh doanh khởi sắc là nhờ giá cho thuê tàu trong quý III tăng khá mạnh. Cùng với đó, sản lượng vận tải, giá cước neo cao giúp cải thiện lợi nhuận của đội tàu. Ngoài ra, sản lượng hoạt động khai thác cảng, depot cũng tăng do đội tàu đem lại và các công ty liên kết đều ghi nhận lợi nhuận cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành là Công ty CP Container Việt Nam công bố lãi 126,7 tỷ đồng trong quý III, tăng 62% so với quý III/2020…

Sau khi đạt mức đỉnh vào ngày 7/10 ở mức 5.650 điểm, chỉ số BDI đã liên tục sụt giảm chỉ còn 3.808 điểm vào ngày 27/10, giảm 32%. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ ngày 9/9/2021, trong bối cảnh nhu cầu tất cả các phân khúc tàu yếu đi. Trong đó, chỉ số tàu capesize (trọng lượng 150.000 tấn) theo dõi vận chuyển quặng sắt và than giảm 9% xuống 4.828 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 13/8; chỉ số tàu panamax (trọng lượng khoảng 60.000 đến 70.000 tấn) theo dõi vận chuyển than và ngũ cốc giảm 3,5% xuống 4.083 điểm, mức thấp nhất trong hơn một tuần qua. Với các tàu nhỏ hơn, chỉ số tàu supramax giảm 153 điểm xuống 3.344 điểm, giảm phiên thứ 4 liên tiếp. Giá cước vận tải biển giảm dự báo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vận tải biển trong quý cuối năm.

Chuyên đề