Doanh nghiệp tự tin đổ tiền vào sản xuất, kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song những dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam gần đây đang mang lại niềm tin về triển vọng phục hồi kinh tế và sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp (DN). Chỉ báo rõ nhất là số vốn đăng ký bình quân trên một DN thành lập mới bật tăng ấn tượng trong tháng 11/2020.

Tháng 11/2020, số vốn đăng ký mới trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 28.805 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Tháng 11/2020, số vốn đăng ký mới trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 28.805 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Điểm sáng vốn đăng ký của DN thành lập mới

Số liệu từ cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, trong tháng 11/2020, cả nước có 13.092 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 284.722 tỷ đồng, tăng 7,3% về số DN so với tháng trước. Đặc biệt, điểm sáng là số vốn đăng ký bình quân trên một DN thành lập mới đạt gần 21,8 tỷ đồng, tăng 72% so với tháng 10/2020 và tăng 103,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét: “Vốn của DN gia tăng cho thấy quy mô của DN gia nhập thị trường tiếp tục có xu hướng tăng lên. Điều này thể hiện người dân và DN đang tiếp tục tin tưởng vào những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả của Chính phủ cũng như sự phục hồi kinh tế thời gian tới. Chính sự tin tưởng này khiến họ mạnh dạn bỏ tiền đầu tư vào sản xuất kinh doanh”.

Số DN thành lập mới nói trên chủ yếu tập trung trong các ngành, lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô - xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng… Số vốn đăng ký mới tập trung chủ yếu ở các ngành, lĩnh vực: kinh doanh bất động sản với 153.344 tỷ đồng, chiếm 53,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo với 28.805 tỷ đồng, chiếm 10,1%; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô - xe máy với 27.352 tỷ đồng, chiếm 9,6%; xây dựng với 20.059 tỷ đồng, chiếm 7%…

Tính chung 11 tháng năm 2020, cả nước có 124.252 DN thành lập mới, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn đăng ký bình quân trên một DN thành lập mới đạt 15,1 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng năm 2020 từ hoạt động đăng ký DN là 4,96 triệu tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, vốn đăng ký của DN thành lập mới là 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2019; số vốn đăng ký tăng thêm của các DN là gần 3,1 triệu tỷ đồng, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm 2019 với 36.178 DN đăng ký tăng vốn. “Số vốn đăng ký tăng thêm cho thấy niềm tin của các DN đang hoạt động về sự phục hồi kinh tế sau đại dịch”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.

Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tiếp đà hồi phục

Cùng với những tín hiệu sáng của hoạt động đăng ký thành lập DN, tháng 11/2020, cả nước có 5.315 DN quay trở lại hoạt động, tăng 5,4% so với tháng trước, tăng 39,5% so với tháng 4/2020 (thời gian thực hiện giãn cách xã hội) và tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2019. Số DN quay trở lại hoạt động trong tháng 11/2020 tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô - xe máy; xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo…

Tính chung 11 tháng, có hơn 40.800 DN quay trở lại hoạt động, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2019 ở hầu hết các lĩnh vực. Đặc biệt, một số lĩnh vực chịu nhiều tác động của dịch bệnh đã có dấu hiệu phục hồi như: dịch vụ lưu trú và ăn uống với 2.383 DN quay trở lại hoạt động, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2019; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác với 2.197 DN, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm ngoái… Theo cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, đây là tín hiệu tích cực, đặc biệt là sự phục hồi của các ngành nghề liên quan tới du lịch có tác động rất lớn đến nhiều ngành nghề dịch vụ khác.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, hoạt động kinh doanh của một số DN logistics cũng hồi phục như giai đoạn trước dịch Covid-19. Các công trình đầu tư công lớn đang được đốc thúc dự báo thúc đẩy hồi phục mạnh các ngành liên quan…

Tuy vậy, do những tác động bất lợi của đại dịch, 11 tháng qua, cả nước vẫn có 93.490 DN rút lui khỏi thị trường, bao gồm đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; DN chờ giải thể; DN hoàn tất thủ tục giải thể.

Về triển vọng kinh tế Việt Nam thời gian tới, nhiều tổ chức tài chính đưa ra các dự báo khá lạc quan. Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới đều dự báo Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong nhóm các nước Đông Nam Á năm 2020. Báo cáo “Cập nhật triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2020” của Ngân hàng Phát triển châu Á cũng nhận định triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn và dài hạn rất tích cực…

Để “tiếp sức” cho DN phục hồi sản xuất kinh doanh, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh phải được “xốc” lại mạnh mẽ hơn, tạo niềm tin cho DN nhằm tìm kiếm giải pháp kinh doanh mới tạo nên sức bật trong phát triển. “Ngoài cải cách thể chế, cũng nên quan tâm hơn tới các giải pháp về mặt thực thi theo hướng đồng hành, hỗ trợ cho DN”, một chuyên gia nêu quan điểm.

Một số ý kiến khác đề xuất, trong thời gian tới cần có những chính sách để tiếp tục kích cầu du lịch trong nước, thu hút khách nội địa, từ đó giúp các DN du lịch và các ngành, lĩnh vực có liên quan (vận tải, khách sạn, ăn uống, bán lẻ) hồi phục mạnh mẽ hơn.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư