Doanh nghiệp tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như những nhận định tích cực từ cộng đồng quốc tế trong thời gian gần đây đã mang lại cho doanh nghiệp (DN) niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngay trong tháng đầu năm 2022, DN gia nhập và tái gia nhập thị trường đã phục hồi ấn tượng.
Trong tháng 1/2022, một số lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh là: kinh doanh bất động sản; vận tải, kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống… Ảnh: Tiên Giang
Trong tháng 1/2022, một số lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh là: kinh doanh bất động sản; vận tải, kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống… Ảnh: Tiên Giang

Dấu hiệu khởi sắc

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, có 13.004 DN thành lập mới trong tháng 1/2022, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2021. Số vốn đăng ký thành lập mới trong tháng 1/2022 đạt 192.365 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là số DN gia nhập thị trường trong tháng đầu tiên của năm cao nhất từ trước đến nay, số vốn đăng ký mới cũng chỉ xếp sau tháng 1/2020.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, tín hiệu khởi sắc này lan rộng từ Bắc vào Nam. Mặc dù trong tháng 1, Hà Nội liên tục đứng đầu cả nước về số ca nhiễm Covid-19, nhưng vẫn có 2.398 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 38.585 tỷ đồng, tăng 15,2% về số DN và tăng 88,6% về số vốn so với cùng kỳ năm 2021. Tại Đà Nẵng, trong nửa đầu tháng 1/2022, Thành phố đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký DN cho 210 DN, chi nhánh và văn phòng đại diện với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 953 tỷ đồng, tăng 13,5% về số DN so với cùng kỳ năm 2021. Tại TP.HCM, sau thời gian triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP, tín hiệu phục hồi của DN khá ấn tượng. Trong tháng 1, Thành phố có 3.785 DN thành lập mới, tăng 55,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Phân theo lĩnh vực hoạt động, có 13/17 ngành có số lượng DN thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó các lĩnh vực có mức tăng cao nhất là: kinh doanh bất động sản; vận tải, kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống…

Cùng với dấu hiệu khởi sắc của DN thành lập mới, số DN quay trở lại hoạt động trong tháng 1/2022 được đánh giá đạt mức cao nhất từ trước đến nay với trên 19.100 DN, tăng 194% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, số DN quay trở lại hoạt động tăng ở 17/17 lĩnh vực, mức tăng cao nhất ghi nhận ở một số lĩnh vực sau: nghệ thuật, vui chơi và giải trí; giáo dục và đào tạo; dịch vụ lưu trú và ăn uống... vốn là những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Tăng tốc “tiếp sức” doanh nghiệp

Dấu hiệu phục hồi của hoạt động gia nhập và tái gia nhập thị trường của DN cả nước khá ấn tượng ngay trong tháng đầu năm, tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN còn gặp nhiều khó khăn. Trong tháng 1, cả nước có 38.364 DN tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó có 29.255 DN tạm ngừng kinh doanh, chiếm 76,3% tổng số DN rút lui khỏi thị trường.

Tuy vậy, mức tăng mạnh của số DN quay trở lại hoạt động là tín hiệu tích cực cho thấy thị trường có dấu hiệu ổn định, doanh nghiệp có cơ hội khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo TS. Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh, cần tăng cường thực thi các chính sách hỗ trợ DN phục hồi, phát triển đã được ban hành. Bởi, đến thời điểm này, cơ bản những chính sách hỗ trợ DN phục hồi sau những tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đã được Chính phủ ban hành. “Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của 9 luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Luật được ra đời trong bối cảnh cần nhanh chóng tạo cơ hội cho DN phục hồi hiệu quả nhất”, ông Bắc đánh giá.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô gần 350.000 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ phục hồi DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh là 110.000 tỷ đồng. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15. Khi gói hỗ trợ đã được thông qua, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là khẩn trương và minh bạch trong thực thi, bảo đảm khả năng hấp thụ Chương trình tốt nhất giúp DN phục hồi, phát triển.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2021, nhiều phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho DN đã được Chính phủ phê duyệt. 2021 cũng là năm có nhiều khu công nghiệp, khu đô thị mới được thành lập tại các địa phương... Đây là những cơ sở quan trọng để hoạt động đăng ký thành lập DN năm 2022 tiếp tục khởi sắc.

Chuyên đề