Doanh nghiệp thép quý III/2024: Xuất hiện các khoản lỗ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau 2 quý đầu năm ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, không ít doanh nghiệp thép gặp khó trong quý III/2024 do chi phí tăng cao. Thậm chí, một số “ông lớn” như Tổng công ty Thép Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen còn báo lỗ.
Báo cáo của Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam đánh giá bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp thép sẽ khởi sắc hơn trong quý IV/2024 và năm 2025 nhờ nhu cầu nội địa cải thiện với động lực từ sự “ấm lên” của thị trường bất động sản.
Báo cáo của Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam đánh giá bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp thép sẽ khởi sắc hơn trong quý IV/2024 và năm 2025 nhờ nhu cầu nội địa cải thiện với động lực từ sự “ấm lên” của thị trường bất động sản.

Báo cáo của Công ty CP Tôn Đông Á cho biết, sản lượng bán hàng quý III/2024 đạt 228,409 triệu tấn thép các loại (96,963 tấn tiêu thụ nội địa và 131,446 tấn xuất khẩu), giảm 3% so với quý trước, nhưng tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Sản lượng bán hàng tăng giúp doanh thu quý III/2024 của Tôn Đông Á đạt 5.163 tỷ đồng, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sau khi trừ đi các khoản chi phí, Công ty báo lãi trước thuế giảm 7% xuống 67 tỷ đồng. Sự sụt giảm này đến từ việc chi phí vận chuyển cho xuất khẩu hàng hóa tăng đáng kể. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Tôn Đông Á ghi nhận 15.247 tỷ đồng doanh thu thuần bán hàng và 402 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 19% và 42,5% so với cùng kỳ năm trước.

Chi phí gia tăng cũng khiến nhiều doanh nghiệp thép gặp khó khăn. Chi phí tài chính quý IV niên độ tài chính 2023 - 2024 (bắt đầu từ ngày 1/10/2023 đến 30/9/2024) của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen tăng 59% lên mức 98 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 65% lên mức 909 tỷ đồng và phí quản lý tăng 98% lên mức 149 tỷ đồng. Các loại chi phí tăng cộng với giá vốn tăng cao khiến Hoa Sen lỗ trước thuế gần 176 tỷ đồng, dù doanh thu tăng 25% lên 10.109 tỷ đồng.

Nhờ các quý trước kinh doanh khả quan nên kết thúc niên độ tài chính 2023 - 2024, Hoa Sen vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng. Cụ thể, doanh thu thuần cả niên độ đạt 39.272 tỷ đồng, tăng 24% so với niên độ trước, lợi nhuận sau thuế đạt 510 tỷ đồng, gấp 17 lần niên độ trước.

Tại thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản của Hoa Sen đạt 19.561,5 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu niên độ. Đáng chú ý, hàng tồn kho lên tới hơn 10.000 tỷ đồng, tăng hơn 30%, chiếm 51% tổng tài sản. Hoa Sen đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 334 tỷ đồng.

Tương tự, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) bất ngờ báo lỗ trước thuế 116,2 tỷ đồng trong quý III/2024, dù doanh thu thuần tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 8.698 tỷ đồng. Sự gia tăng đột biến về giá vốn đã khiến biên lợi nhuận gộp của VNSteel thu hẹp đáng kể, các chi phí phát sinh ăn mòn lợi nhuận dẫn đến kết quả kinh doanh kém khả quan.

Một số doanh nghiệp khác cũng báo lỗ trong quý III/2024 là Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên lỗ 122,7 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC lỗ 24,7 tỷ đồng.

Trong khi nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh không thuận lợi, doanh nghiệp thép chiếm thị phần lớn nhất cả nước là Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III/2024 tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3.412 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Hòa Phát ghi nhận 104.364 tỷ đồng doanh thu và 10.406 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 23,4% và 136%.

Dù tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng kết quả kinh doanh quý III/2024 của Hòa Phát thấp hơn quý II/2024, nguyên nhân là sản lượng và giá bán của mặt hàng thép xây dựng và thép cuộn cán nóng sụt giảm.

Mới đây, Hiệp hội Thép Thế giới (WorldSteel) đã hạ dự báo nhu cầu thép toàn cầu năm 2024 về mức âm 0,9%. Đây là mức tăng trưởng âm năm thứ ba liên tiếp.

Trước đó, trong báo cáo đưa ra vào đầu tháng 4/2024, WorldSteel khá lạc quan về sự phục hồi của thị trường thép năm nay với mức dự báo tăng trưởng 1,7%. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn với bất ổn địa chính trị gia tăng, chính sách tiền tệ thắt chặt, hoạt động sản xuất tiếp tục suy yếu, sức mua giảm ở hầu hết các nền kinh tế lớn. Do đó, WorldSteel phải điều chỉnh giảm đáng kể triển vọng nhu cầu thép năm 2024 cho hầu hết các nền kinh tế lớn, trong đó giảm mạnh nhất là Trung Quốc. Sang năm 2025, nhu cầu mới có sự phục hồi với mức tăng trưởng dự kiến 1,2%.

Báo cáo của Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam đánh giá bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp thép sẽ khởi sắc hơn trong quý IV/2024 và năm 2025 nhờ nhu cầu nội địa cải thiện với động lực từ sự “ấm lên” của thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào dự kiến ổn định, giá thép đầu ra phục hồi sẽ giúp các doanh nghiệp có biên lợi nhuận tốt hơn.

Chuyên đề