Doanh nghiệp thép lãi kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhu cầu cao và đặc biệt là giá thép tăng nhanh trong những tháng đầu năm đã giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành này ghi nhận lợi nhuận nửa đầu năm 2021 vượt kết quả đã đạt được của cả năm trước đó.
6 tháng đầu năm 2021, Công ty CP Thép Nam Kim thu về 1.166 tỷ đồng lãi ròng, gấp 4 lần lợi nhuận cả năm 2020. Ảnh minh họa: Thanh Thư
6 tháng đầu năm 2021, Công ty CP Thép Nam Kim thu về 1.166 tỷ đồng lãi ròng, gấp 4 lần lợi nhuận cả năm 2020. Ảnh minh họa: Thanh Thư

Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong nửa đầu năm 2021, ngành sản xuất thép trong nước được mùa lớn khi sản xuất và tiêu thụ đều tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, sản xuất thép đạt gần 16 triệu tấn, tăng 37%, tiêu thụ đạt 14 triệu tấn, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Bất chấp giá thép tăng tới 40 - 45% so với cùng kỳ 2020, nhu cầu tiêu dùng thép trong nửa đầu năm 2021 vẫn tăng cao, nhập khẩu thép cũng tăng phi mã. 6 tháng qua, cả nước đã nhập khẩu gần 7 triệu tấn thép các loại, trị giá 5,662 tỷ USD, tăng 4% về lượng nhưng tăng 40,8% về giá trị so với cùng kỳ 2020.

Nhu cầu và giá thép tăng nhanh trong thời gian qua đã giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành ghi nhận kết quả kinh doanh kỷ lục.

Công ty CP Thép Nam Kim là một trong những doanh nghiệp đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với doanh thu bán hàng đạt 7.016 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 847,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 chỉ lãi hơn 17 tỷ đồng. Lợi nhuận quý II/2021 của Nam Kim tiếp tục phá kỷ lục từ trước đến nay, sau khi đạt đỉnh vào quý I/2021. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Nam Kim thu về 1.166 tỷ đồng lãi ròng, gấp 20 lần con số đạt được nửa đầu năm 2020 và gấp 4 lần lợi nhuận cả năm ngoái.

Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm ổn định, giá cả liên tục tăng nhanh làm cải thiện hiệu quả. Bên cạnh đó, Công ty cũng chủ động nguồn nguyên liệu, đảm bảo năng suất trong sản xuất, gia công và tồn kho luôn ở mức cao, giá vốn thấp. Kết quả, Công ty ghi nhận 11.022 tỷ đồng doanh thu, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái; 748 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng gấp hơn 13 lần so với 6 tháng đầu năm 2020. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục của SMC khi so sánh với kết quả kinh doanh của các năm trước đó.

Một số doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn cũng có kết quả kinh doanh rất tích cực. Công ty CP Thép Thủ Đức - Vnsteel báo lãi bán niên 47 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm ngoái; Công ty CP Thép Vicasa - Vnsteel thu lợi nhuận nửa đầu năm hơn 40 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ 2020; Công ty CP Thép Mê Lin lãi ròng 38,6 tỷ đồng, gấp 24 lần so với 6 tháng đầu năm 2020.

Một số doanh nghiệp đầu ngành như Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen chưa công bố kết quả kinh doanh, nhưng những báo cáo trước đó cho thấy kết quả khả quan. Đơn cử như Hoa Sen, 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp này lãi ròng 1.034 tỷ đồng, gấp 5,1 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 4 và 5/2021, Hoa Sen tiếp tục công bố lợi nhuận kỷ lục, lần lượt là 538 tỷ và 602 tỷ đồng.

Dù vậy, trước ảnh hưởng của mùa mưa và sự bùng phát dịch Covid-19, đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Hòa Phát cho biết, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và ống thép tháng 6/2021 đã giảm so với cùng kỳ năm 2020 và tháng trước.

Theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA, tháng 6, 7 hàng năm là mùa mưa nên các công trình xây dựng ít thi công dẫn đến số lượng thép bán ra giảm kéo theo việc giảm giá. Giá thép năm nay đã tăng cao tới 45% so với trung bình hàng năm, trong tháng 6, tháng 7, giá thép chỉ giảm khoảng 3 - 5%, nhưng vào cao điểm mùa xây dựng (3 tháng đầu năm và 3 tháng cuối năm) giá thép có thể sẽ tăng trở lại.

Trước tình trạng giá thép trong nước tăng cao, Bộ Tài chính mới đây đề nghị tăng thuế suất thuế xuất khẩu phôi thép, giảm thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng thép nhằm bình ổn thị trường. Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP liên quan đến biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ điều chỉnh tăng thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép (nhóm 72.06 và 72.07) từ 0% lên 5%.

Chuyên đề