Doanh nghiệp thép lạc quan với triển vọng năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đi qua năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức do nhu cầu tiêu thụ và giá thép xây dựng nội địa suy giảm, nhiều doanh nghiệp thép xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2024 tăng trưởng mạnh, với kỳ vọng lạc quan về thị trường thép năm này.
MBS Research dự báo, giá thép xây dựng nội địa năm 2024 sẽ phục hồi lên mức 15 triệu đồng/tấn, tăng 8% so với năm 2023. Ảnh: Nhã Chi
MBS Research dự báo, giá thép xây dựng nội địa năm 2024 sẽ phục hồi lên mức 15 triệu đồng/tấn, tăng 8% so với năm 2023. Ảnh: Nhã Chi

Doanh nghiệp đầu ngành thép là Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát đã công bố kế hoạch kinh doanh của năm 2024 với mục tiêu 140.000 tỷ đồng doanh thu và 10.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 18% và 47% so với thực hiện năm 2023.

Về tình hình sản xuất và bán hàng 2 tháng đầu năm 2024, Hòa Phát cho biết, đã sản xuất 1,38 triệu tấn thép thô, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023. Bán hàng các sản phẩm thép HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao, phôi thép đạt 1,15 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, thép xây dựng, thép chất lượng cao đạt 575.000 tấn, giảm 2% so với cùng kỳ 2023. Thép HRC đóng góp 542.000 tấn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Ống thép Hòa Phát ghi nhận 88.000 tấn sau 2 tháng; tôn mạ các loại đạt sản lượng 66.000 tấn, chủ yếu nhờ sản lượng xuất khẩu tôn 2 tháng qua tốt hơn so với cùng kỳ 2023.

Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành thép là Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen cũng dự kiến lợi nhuận niên độ tài chính 2023 - 2024 (từ ngày 1/10/2023 đến ngày 30/9/2024) tăng trưởng mạnh so với niên độ trước. Cụ thể, Hoa Sen đưa ra hai kịch bản kinh doanh. Với kịch bản 1, sản lượng tiêu thụ đạt 1.625 nghìn tấn, tăng 13,3% so với niên độ trước; doanh thu dự kiến 34.000 tỷ đồng, tăng 7,4% và lợi nhuận sau thuế dự kiến 400 tỷ đồng, tăng 12,33 lần.

Ở kịch bản 2 thuận lợi hơn, tổng sản lượng tiêu thụ ước tính 1.730 nghìn tấn, tăng 20,7% so với niên độ trước, doanh thu ước tính 36.000 tỷ đồng, tăng 13,7% và lợi nhuận sau thuế dự kiến 500 tỷ đồng, tăng 15,67 lần.

Sau năm 2023 lỗ tới 919,3 tỷ đồng do thị trường tiêu thụ khó khăn, nợ xấu tăng cao, Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC mới đây công bố mục tiêu lãi ròng 80 tỷ đồng trong năm 2024, tương ứng với sản lượng tiêu thụ 900.000 tấn thép các loại. Thời gian qua, để giảm áp lực nợ vay, Công ty đã liên tục bán các tài sản như quyền sử dụng đất thuê và tài sản gắn liền với đất tại SMC Tân Tạo 2, KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh và SMC Bình Dương, 13,1 triệu cổ phần Công ty CP Thép Nam Kim.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép trong năm 2024 dự kiến tăng 6,4%, lên gần 21,6 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm tăng 12%, lên gần 13 triệu tấn. Mục tiêu này được đưa ra dựa trên kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng 6 - 6,5% trong năm nay.

Trong Báo cáo mới đây của MBS Research, giá thép xây dựng nội địa năm 2024 dự báo sẽ phục hồi lên mức 15 triệu đồng/tấn (tăng 8% so với năm ngoái) nhờ đà tăng giá thép thế giới và nhu cầu ấm lên ở thị trường Việt Nam. Hàng loạt chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản phục hồi từ giữa năm 2024, nguồn cung căn hộ dự kiến tăng trưởng 20% (theo dự báo của CBRE) sẽ đẩy mạnh nhu cầu và tác động tích cực đến giá thép nội địa. Giá nguyên liệu than và quặng dự kiến giảm nhẹ 7% và 6% so với năm ngoái trong bối cảnh nguồn cung ổn định và nhu cầu sản xuất thép thô của Trung Quốc sụt giảm, cũng tạo lợi thế cho doanh nghiệp sản xuất thép. Giá bán kỳ vọng hồi phục và giá nguyên liệu hạ nhiệt sẽ thúc đẩy biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành.

Đối với thị trường xuất khẩu, nhu cầu phục hồi tại châu Âu và Mỹ tác động tích cực đến sản lượng và giá tôn mạ xuất khẩu, giá thép xuất khẩu dự kiến tăng 9% so với năm ngoái, cũng là một điểm cộng cải thiện biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp thép năm 2024.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư